Pages

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Nguyễn Vũ Bình - Hiện thực hóa dân chủ hay cách thức chung xây dựng thể chế dân chủ

Xét dưới góc độ dân chủ, các quốc gia trên thế giới hiện nay được nhiều người nhìn nhận có ba mức độ khác nhau. Các quốc gia có nền dân chủ tương đối hoàn hảo, còn gọi là dân chủ tự do, gồm Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu. Các quốc gia cũng có thể chế dân chủ, nhưng đi sâu vào quyền con người mới chỉ dừng ở mức dân chủ trong tuyển cử. Và cuối cùng là các quốc gia chưa có dân chủ bao gồm độc tài cá nhân, độc tài tập thể hoặc toàn trị.

     Hiện thực hóa dân chủ đặt ra chủ yếu đối với các quốc gia đã có các thể chế dân chủ nhưng người dân chưa thực sự tự do và trong tương lai, là các quốc gia độc tài chuyển sang dân chủ. Tình trạng các quốc gia đã có những thể chế dân chủ nhất định, nhưng người dân chưa được tự do, xuất phát từ những nguyên lý để xây dựng nền dân chủ chưa phản ánh được các yếu tố cốt lõi của một kết cấu dân chủ thực sự. Nhưng mặt khác, cách thức xây dựng, trình tự tiến hành để xây dựng các thể chế dân chủ cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc các quốc gia khó vượt qua ngưỡng dân chủ tuyển cử để trở thành dân chủ tự do.

     Các quốc gia thường bắt đầu tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, sau một cuộc cách mạng ôn hòa hoặc bạo lực, bằng việc soạn thảo một hiến pháp dân chủ (thuê các nhà hiến pháp nổi tiếng trên thế giới); định hình các đảng phái chính trị quốc gia; xây dựng lộ trình bầu cử quốc hội, chính quyền (chế độ tổng thống hoặc bán tổng thống); tiến hành vận động tranh cử và thực hiện tổng tuyển cử. Người ta cho rằng, thành công trong xây dựng thể chế dân chủ chính là việc giữ cho các tiến trình trên diễn ra trôi chảy, không có biến động làm thay đổi hoặc phá vỡ tiến trình đó. Điều nguy hiểm hơn, là sự mặc định các thể chế vừa xây dựng cho toàn bộ tiến trình dân chủ. Ví dụ, có lập luận cho rằng, hiến pháp phản ánh tương quan lực lượng giữa các đảng phái vào thời điểm xây dựng hiến pháp?!? Nhận xét toàn bộ quá trình này, chúng ta nhận thấy hoạt động xây dựng thể chế dân chủ chỉ diễn ra trên bình diện quốc gia, với một số ít người tham gia. Còn người dân, có lẽ chỉ có một việc duy nhất là đi bỏ phiếu, trong tình trạng nhận thức một điều duy nhất là hình như đất nước vừa thay đổi chế độ!

     Đó là một tiến trình đảo ngược, hay như người Việt Nam thường nói “xây nhà từ nóc”. Điều quan trọng nhất trong cách thức tiến hành xây dựng thể chế dân chủ là, nó phải được diễn ra từ/ở đơn vị dân chủ cơ sở - là đơn vị địa lý, hành chính nhỏ nhất có thể xây dựng thể chế dân chủ - đồng thời được toàn thể người dân tham gia. Toàn bộ nội dung của dân chủ phải được thực hiện trên bình diện dân chủ cơ sở, và gắn chặt với cuộc sống của người dân. Chỉ có ở đây, người dân mới thực sự tham gia vào xây dựng hệ thống chính quyền, hệ thống luật cũng như cơ chế về tòa án nhân quyền để họ tự bảo vệ quyền con người của mình. Tất cả các hoạt động xây dựng thể chế dân chủ ở cấp cao hơn cấp cơ sở chỉ có mục đích mở đường, hỗ trợ và tạo điều kiện để bảo đảm yêu cầu cho việc xây dựng và hoạt động của thể chế dân chủ ở cơ sở. Thước đo quyền con người, mức độ dân chủ của quốc gia không phải bằng sinh hoạt chính trị dân chủ trên bình diện quốc gia mà bằng quyền con người, mức độ tham gia của người dân, khả năng tự bảo vệ quyền con người của người dân trong không gian sinh hoạt dân chủ cơ sở.

     Trên tinh thần này, một chính quyền (hay nhà nước) chỉ nên là một chính quyền gọn nhẹ, thực hiện các chức năng tối thiểu để duy trì sinh hoạt quốc gia. Các chức năng chính yếu của nhà nước, là đại diện quốc gia, duy trì đoàn kết dân tộc; xây dựng và duy trì lực lượng vũ trang (quân đội và cảnh sát); tòa án để giải quyết tranh chấp giữa con người với nhau. Và, một chức năng quan trọng là thúc đẩy, hỗ trợ và tạo điều kiện cho tiến trình xây dựng và hoạt động của thể chế dân chủ ở cơ sở.

     Tựu trung lại, đối với các quốc gia đã có hình thái dân chủ tuyển cử, và các quốc gia chuyển đổi từ độc tài sang xây dựng thể chế dân chủ, thì việc hiện thực hóa dân chủ cần được tiến hành như thế nào? 

     - Trước hết, cần trang bị nhận thức về quyền con người, về tự do, về phương thức tổ chức xã hội bảo đảm tự do của con người (dân chủ) cho mọi người dân, mà ban đầu là tầng lớp tinh hoa, có ý chí để hiện thực hóa dân chủ. Lưu ý rằng, việc trang bị nhận thức trên cho mọi người dân là việc làm bắt buộc. Vì vậy, cần xây dựng kiến thức về tự do, dân chủ thật đơn giản, dễ hiểu và phải gắn với cuộc sống của người dân.

     - Xây dựng thể chế xã hội dân chủ bao gồm chính quyền, hệ thống luật và cơ chế tự bảo vệ quyền con người (tòa án nhân quyền) trong không gian dân chủ cơ sở. Đặt trọng tâm xây dựng thể chế dân chủ trên bình diện cơ sở; đặt toàn bộ việc xây dựng và hoạt động của các thể chế cấp trên cơ sở trong phạm vi ảnh hưởng của cấp cơ sở. Nói cách khác, sự tồn tại và hoạt động của các thể chế ngoài cấp cơ sở chỉ để phục vụ cho việc xây dựng và hoạt động của thể chế dân chủ cơ sở.

     - Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề xây dựng thể chế dân chủ cần được đặt trong xu thế dân chủ hóa toàn cầu. Có nghĩa rằng, các quyền con người được tuyên ngôn nhân quyền đặt ra phải được bảo đảm, đồng thời tham khảo và tham chiếu các thể chế dân chủ của các quốc gia khác nhau để đi tới sự kết nối tự do trên toàn thế giới.

     Lô gic của tiến trình xây dựng thể chế dân chủ thật ra không khó hiểu: dân chủ là phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất quyền con người và khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân. Muốn bảo đảm được quyền con người thì người dân phải trực tiếp tham gia vào việc xây dựng thể chế xã hội đó, vì vậy nội dung xây dựng thể chế xã hội trước hết và cơ bản phải được xây dựng tại cơ sở  - tức đơn vị dân chủ nhỏ nhất – gắn liền với cuộc sống của nhân dân. Mặt khác, khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhận thức của người dân về các quyền con người, về tự do, dân chủ. Đồng thời, cần có cơ chế để bảo vệ quyền con người, đó là tòa án nhân quyền. Như vậy, dân chủ là quá trình xây dựng thể chế xã hội và nhận thức của con người để bảo đảm và bảo vệ quyền con người của mỗi một cá nhân./.

Hà nội, ngày 30/9/2015

N.V.B

(Blog RFA)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

BẤT BUỘC NHÂN DÂN PHẢI GIẬT SẬP CỘNGSẢN MỚI CÓ ĐỘC LẬP TỰ DO THỰC SỰ.LŨ ĐẢNG VIÊN ĐÃ BÁN LINH HỒN CHO QỦY DỬ RỒI ĐỪNG HÒNG HY VỌNG LO CHO DÂN CHO NƯỚC.