Pages

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Trung Quốc biện hộ việc xây đảo nhân tạo

Đô đốc Tôn Kiến Quốc tỏ thái độ kín đáo và dè dặt
Trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2015 nói hoạt động xây đảo nhân tạo của nước này là 'hợp pháp và phải chăng'.
Ngày thứ hai của diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore là bài phát biểu của trưởng đoàn Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc.
Ông Tôn kêu gọi thay đổi "tâm lý thời chiến tranh lạnh", ông nói các nước cần được đối xử công bằng và phải đạt tình thế các bên cùng có lợi.

Bài phát biểu chủ đề "Củng cố trật tự khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương” được cho là giải thích cho chính sách an ninh của Trung Quốc hiện tại.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc ca ngợi nước ông là hợp tác, xây dựng, đóng góp tích cực cho hoà bình thế giới.
Ông cũng biện minh cho các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc mà quốc tế đang đồng thanh chỉ trích.

'Đúng luật, cần thiết và phải chăng'?

Nhận xét về tình hình Biển Đông, Đô đốc Tôn Kiến Quốc nói khu vực này nói chung là hoà bình và tự do hàng hải không bị ảnh hưởng gì. Ông nói việc xây đảo của Trung Quốc là đúng luật, cần thiết và phải chăng.
"Không có thay đổi gì về yêu sách của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông)."
Ông cũng bày tỏ thắc mắc là tại sao mà vấn đề Biển Đông và vai trò của Trung Quốc luôn luôn được mang ra mổ xẻ ở các diễn đàn an ninh.
Nói chuyện với BBC, một số đại biểu tham gia hội nghị tỏ ý bất bình trước lý lẽ này của ông Tôn Kiến Quốc, vì nó cho thấy "Trung Quốc cho rằng các hoạt động ở Biển Đông hoàn toàn do họ định đoạt và là chuyện đương nhiên".
Một tuyên bố khác của Đô đốc Tôn cũng gây bức xúc là khi ông nói việc thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không (Adiz) trên Biển Đông là việc của Trung Quốc và nước này sẽ cân nhắc khi nào làm việc này căn cứ vào tình hình an ninh và các đe dọa an ninh.
Josh Rogin, nhà báo của hãng Bloomberg, đặt câu hỏi: "Trung Quốc hứa hẹn theo đuổi mục tiêu các bên cùng có lợi ở Biển Đông, nhưng hành động của Trung Quốc khiến các nước nhỏ liên kết lại với nhau và tìm kiếm trợ giúp của Hoa Kỳ".
"Vậy thì Trung Quốc hợp tác với ai để mà cùng có lợi?"
Đô đốc Tôn trong bài phát biểu cũng kêu gọi các nước tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau. Ông chỉ trích một số quốc gia là đưa ra nhận xét chủ quan, kích động nước này chống nước kia.
Hôm thứ Bảy 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter có bài phát biểu quan trọng mở màn Đối thoại Shangri-La, trong đó ông khẳng định Hoa Kỳ và các nước trong khu vực hết sức quan ngại về kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc rất nặng nề, rằng nước này đã vượt quá khuôn khổ luật lệ quốc tế.
Ông gọi các hoạt động cải tạo đảo của Bắc Kinh là “chưa từng có tiền lệ”.
Ông nói trước cử tọa của diễn đàn an ninh lớn thuộc loại hàng đầu thế giới: “Với hành động của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đã vượt khỏi khuôn khổ luật lệ quốc tế vốn làm nền cho kiến trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương, cũng như quan điểm đồng thuận trong khu vực là nghiêng về ngoại giao mà chống ép buộc bằng sức mạnh”.

Giọng điệu mềm mỏng

Sau bài diễn văn của Đô đốc Tôn Kiến Quốc, các đại biểu đặt rất nhiều câu hỏi cho đại diện Trung Quốc nhưng hầu hết đều không được trả lời.
Phân tích gia Chris Nelson, nhà quan sát đã tham dự nhiều cuộc Đối thoại Shangri-La, nhận xét rằng so với những lần trước, Trung Quốc tỏ ra mềm mỏng hơn nhưng lại kín tiếng hơn và chính thái độ đó lại càng làm tăng nghi vấn và chỉ trích.
Nguồn tin của BBC có mặt trong một bữa ăn trưa làm việc với đoàn Hoa Kỳ cho hay rằng phía Hoa Kỳ hoài nghi rằng Trung Quốc ghi nhận các cảnh báo của họ.
Giới chuyên gia cho rằng thông qua phát biểu của Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội trấn an những quan ngại trong khu vực về chương trình cải tạo và quân sự hóa các đảo của mình.
Bà Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Hoa Kỳ, nói: "Chúng ta chỉ hy vọng đoàn Trung Quốc sẽ ghi nhận những ý kiến tại diễn đàn và chuyển tải lại Bắc Kinh các quan ngại của quốc tế để chính phủ Trung Quốc có thể cân nhắc lại chính sách và thái độ của mình trong khu vực".

Không có nhận xét nào: