Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

NGUYỄN THIẾU NHẪN - CÓ THỂ NÀO CÓ CHUYỆN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN SẼ QUAY HỌNG SÚNG CHỐNG LẠI NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO ĐẢNG CSVN?

Dẫn nhập: Gần đây có một số bài viết kêu gọi Quân Đội Nhân Dân CSVN đứng lên lật đổ những người lãnh đạo Đảng CSVN, để từ đó, đoàn kết tòan dân chống lại Trung Cộng.
Bên cạnh những bức thư, những bài viết với mục đích khoe mẽ, tự đánh bóng cá nhân có những bức thư, những bài viết có mục đích đúng đắn vạch trần những tội ác của CSVN để kêu gọi sự thức tỉnh của những Tướng lãnh, sĩ quan, binh sĩ trong QĐND đứng lên với mục đích giải thể chế độ CSVN. Cũng như cách đây mấy năm, nhà văn VC Dương Thu Hương có viết một bức thư kêu gọi các quân nhân của QĐND hãy quay họng súng chống lại những người lãnh đạo Đảng CSVN.  

Có thể nào có chuyện Quân Đội Nhân Dân của CSVN sẽ quay họng súng chống lại những người lãnh đạo Đảng CSVN hay không?
Có người viện dẫn chuyện sĩ quan Sô Viết đã quay họng súng trên Thiết Giáp chống lại Gorbachev (sic!) vào tháng 8 năm 1991. Chi tiết này sai! Trong thực tế, không có chuyện sĩ quan trên xe Thiết Giáp chống lại Gorbachev. Các xe Thiết Giáp này là của phe đảo chánh nhằm lật đổ ông Gorbachev. Cuộc đảo chánh do các tay bảo thủ, giáo điều hạng nặng cầm đầu. Họ muốn Liên Bang Sô Viết quay lại con đường cũ – như cách đây mấy năm Tổng Thống Putin đã đưa nước Nga trở lại con đường cũ! Boris Yeltsin lúc đó là Tổng Thống Cộng Hoà Nga. Nước Nga là 1 trong 15 nước Cộng Hoà của Liên Sô, nếu phe đảo chánh thành công thì số phận của Yeltsin cũng không khác gì hơn số phận của Gorbachev. Boris Yeltsin, nhân vật thời cuộc lúc đó biết được mình có một số đông đảo dân chúng Nga ủng hộ và lại thấy được sự do dự, không quyết liệt trong hành động của phe đảo chánh nên đã mạo hiểm trèo lên xe tăng của phe đảo chánh để thuyết phục họ và mọi người. Chính hành động can đảm này của Boris Yeltsin đã kéo theo sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết, chứ không phải Quân Đội Nhân Dân của Liên Bang Sô Viết quay ngược họng súng chống lại chế độ – như có người đã lầm tưởng.
Như chúng ta đã biết, sau cuộc đảo chánh 8-1991, Gorbachev chỉ còn là một xác chết chính trị chưa chôn, phải công nhận sự độc lập của 3 nước Cộng Hoà vùng Baltic. Liên Sô chỉ còn lại 12 nước Cộng Hoà. Boris Yeltsin đã xé Liên Sô ra  làm nhiều mảnh nhỏ. Khi Boris Yeltsin và 10 Tổng Thống các nước Cộng Hoà trong Liên Bang Sô Viết lập ra Cộng đồng Thịnh vượng chung thì lúc đó đã khai tử Liên Sô và khai tử luôn chức vụ của Gorbachev.   
Những người có nghiên cứu về đảng CSVN đều biết điều lệ Đảng CSVN ghi rõ: “Lực lượng vũ trang là công cụ bạo lực cách mạng của Đảng đối với lực lượng vũ trang (Quân Đội và Công An) là sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang (QĐ và CA) là sự lãnh đạo ‘tuyệt đối, duy nhất, trực tiếp và toàn diện’”.
Trong Đại hội VI, những câu trên vẫn được lặp lại không sai một dấu phẩy. Và thêm vào đó việc thành lập Đảng ủy Quân Sự Trung Ương (thay Quân Ủy Trung Ương trước đó và trước hơn nữa mang tên Tổng Quân Ủy).
Cũng theo Điều lệ Đảng: “Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương đương nhiên kiêm nhiệm chức Bí Thư Đảng ủy Quân sự Trung Ương”.
“Có thể nào có chuyện Quân Đội Nhân Dân của CSVN sẽ quay họng súng chống lại những người lãnh đạo đảng CSVN?”
Bài viết này không có mục đích tạo ra những tranh luận không cần thiết và vô ích!
-       Các chi tiết về sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết ngay tại cái nôi của nó;
-       và Điều lệ của Đảng CSVN về Lực Lượng Vũ Trang (gồm Quân Đội và Công An) được viết ra cách đây 19 năm trong bài viết “Trần Độ: Chống Đảng hay cứu Đảng?”
hy vọng sẽ giúp người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại có câu trả lời chính xác về vai trò của Quân Đội Nhân Dân của CSVN trong công cuộc giải thể chế độ CSVN.
*
Trần Độ, giữa năm 1995, đã gửi đến Tổng Bí thư, các Ủy viên Bộ Chính trị, các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam một bức thư ngắn. Kèm theo đó là một bài viết với tiêu đề: “Góp ý về Đại hội VIII – Từ Đảng của sự nghiệp giải phóng dân tộc đến Đảng của sự nghiệp phát triển đất nước”.
Trần Độ nguyên là một đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp từng chỉ huy một Đại đoàn (tương đương Sư đoàn). Trong trận Điện Biên Phủ, chính Đại đoàn này với Trần Độ làm Chính ủy và Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh đã bắt sống tướng De Castrie. Thời gian 1960-1975 là Phó Chính ủy B2 (dưới bí danh Chín Vinh) mà Tư Chi (Trần Văn Trà) là Tư lệnh. Là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nhiều khóa liên tiếp. Chức vụ cuối cùng là Thứ trưởng Bộ Văn hoá. Là một trong những nhà lý luận Chính trị và Quân sự cao cấp của Cộng sản Hà Nội.
Bài viết gồm 4 phần chính, với tựa do Trần Độ đặt ra:
-Phần 1: Nhìn lại những cống hiến của Đảng CSVN trong sự nghiệp giải phóng dân tộc;
-Phần 2: Vài nét về thực trạng hiện nay;
-Phần 3: Những yêu cầu mới; và
-Phần 4: Một số kiến nghị.
Trong phần 1, dưới tiêu đề “Nhìn lại cống hiến của CSVN trong sự nghiệp gải phóng dân tộc”, Trần Độ viết: “… Khi đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, ta gần như lãng quên một sự thật lịch sử cũng rất quan trọng: sự nghiệp giải phóng dân tộc không phải là sự nghiệp và thành công riêng của đảng. Trong sự nghiệp đó có phần đóng góp có ý nghĩa quyết định của đại đa số nhân dân mà hầu hết không phải là đảng viên…” (Bài đã dẫn – Từ đây sẽ viết tắt là Bđd).
Trong đoạn này ông Trần Độ đã viết đúng. Chỉ trừ một điều. Không phải Đảng của ông “gần như lãng quên” mà thực chất là cố tình bỏ qua phần đóng góp của những người không phải là cộng sản. Bóp méo sự thực lịch sử vốn là một thủ thuật quen thuộc của những người cộng sản.
Chỉ cần một chút kiến thức lịch sử tối thiểu thì người ta sẽ thấy ngay rằng khi tiếng súng Nam Bộ kháng chiến bắt đầu nổ ngày 23-9-1945, lực lượng của những người Cộng sản chỉ là một cái bóng mờ, lúc lực lượng Pháp núp sau lưng viên tướng người Anh Gracey một lần nữa muốn buộc miền Nam trở lại dưới ách đô hộ như trước. Sự kháng cự mãnh liệt nhất mà quân xâm lăng Pháp gặp phải đã đến từ các Sư đoàn Cộng hòa Vệ binh, các bộ đội vũ trang vừa được tự phát thành lập, các phong trào quần chúng dưới sự lãnh đạo của các Ủy ban Hành kháng còn non trẻ, lực lượng vũ trang của các giáo phái v.v… chứ không phải từ những người cộng sản.
Những người tham gia trong các lực lượng này chưa hề và không hề là cộng sản. Đó chỉ là một trong muôn nghìn điểm mà Đảng Cộng sản của ông Trần Độ nên ghi nhớ!
“Thế nhưng, ngày nay, khi tổng kết những bài học lịch sử, chúng ta lại nói khác đi. Chúng ta nhấn mạnh bài học nắm vững hai ngọn cờ: Chủ nghĩa xã hội và yêu nước. Để rồi đi tới một phương châm mới: ‘Yêu nước tức là yêu chủ nghĩa xã hội’. Và trên thực tế chúng ta đã gạt sang một bên những người yêu nước nhưng không (hay chưa) yêu chủ nghĩa xã hội” (Bđd).
Ông Trần Độ, vì những lý do cá nhân nào đó mà đã không dám khẳng định sự đúng, sai của câu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”. Chúng ta nên thông cảm cho ông, ở trình độ một nhà lý luận như ông, ông không thể trâng tráo nói câu này là đúng. Ai chẳng biết “đất nước” và “chủ nghĩa xã hội” là hai phạm trù khác nhau, không thể đồng hóa với nhau. Đất nước ta đã xuất hiện và tồn tại rất lâu trước khi ông Hồ Chí Minh nhặt được chủ nghĩa Cộng sản ở đâu đó và đem về áp đặt lên. Trong chiều dài bốn nghìn năm của lịch sử dân tộc, đã có biết bao nhiêu anh hùng dân tộc chưa hề nghe nói đến chủ nghĩa xã hội? Nhưng họ vẫn yêu nước! Một thí dụ hết sức đơn giản và hết sức gần gũi là Nguyễn Thái Học, ông có bao giờ yêu chủ nghĩa xã hội đâu, nhưng ông vẫn được đánh giá là một nhà ái quốc nổi tiếng! Ông Trần Độ cũng có lý của ông khi không dám khẳng định câu “yêu nước tức là yêu chủ nghĩa xã hội” là sai. Ông không, hay là chưa (chữ “chưa” ở đây đang được dùng ở thể giả định) dám kẻo bị Đảng Cộng sản của ông kết tội là công khai chống lại Đảng, chống lại chủ nghĩa xã hội. Cũng trong đoạn trên ông viết: “Và trong thực tế chúng ta đã gạt sang một bên…”. Chúng ta cần nên ghi nhận một sự thật xương máu là Đảng Cộng sản không chỉ đơn giản “gạt sang một bên” mà còn thẳng tay thanh toán, đàn áp, khủng bố tất cả những ai được coi là không – và cả những ai được coi là chưa yêu chủ nghĩa xã hội. Danh sách những nạn nhân của Đảng CSVN đã quá dài, và đang tiếp tục tăng lên từng ngày.
Trong phần thứ 2, mang tiêu đề “Vài nét về thực trạng hiện nay” Trần Độ viết: “Chiến thắng lớn lao của toàn thể dân tộc đã làm bộc lộ rất sớm những sai lầm và khuyết điểm của Đảng trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Những sai lầm và khuyết điểm ấy đã được phân tích phần nào ở Đại hội VI: Chủ nghĩa chủ quan duy ý chí, chủ nghĩa quan liêu v.v… Nhưng sự phân tích ấy chưa thật triệt để, đặc biệt về bệnh thiếu dân chủ trong đảng và trong toàn xã hội. Tình trạng độc tôn, độc quyền của Đảng đã không được khắc phục, trái lại còn trầm trọng thêm. Sau hàng chục năm chiến đấu hy sinh, dân vẫn chưa được hưởng các quyền tự do dân chủ như từng được hứa hẹn…” (Bđd).
Đây là một tài liệu được Trần Độ đưa ra vào giữa năm 1995. Thật là một cái tát vào giữa mặt mà người Cộng sản Trần Độ tặng ngược lại cho những người đang ra rả ca tụng sự đổi mới, cởi mở dân chủ của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong lúc những người này (trong số đó có không ít người tự xưng là trí thức, Quốc gia v.v…) kêu gào phải xóa bỏ hận thù, bắt tay hòa hợp hòa giải vô điều kiện với CS, nại cớ nhà cầm quyền Hà Nội đã thực sự có tiến bộ về mọi mặt, thì Trần Độ (một người chắc chắn phải hiểu CS hơn các vị này rất nhiều) đã nói toạc ra rằng người dân Việt Nam hiện nay vẫn chưa được hưởng tự do dân chủ!
“Về mối quan hệ, giữa Đảng và nhân dân (nói cách khác về lòng tin của nhân dân đối với Đảng): phải nói là lòng tin ấy giảm sút nghiêm trọng. Tuy ta có nói việc này việc khác làm cho lòng tin ấy được khôi phục, nhưng nhìn chung thì lòng tin ấy vẫn ngày càng giảm sút, đặc biệt trong giới trẻ. Không ít người hiện nay đang đồng nhất Đảng với “bộ máy cầm quyền” và đối xử với Đảng như với một bộ máy cầm quyền nào đó” (Bđd).
Thật ra, nếu muốn chính xác hơn, Trần Độ phải nhận định là sự bất tín nhiệm của nhân dân đối với Đảng càng ngày càng tăng lên. Và không chỉ một số người đồng nhất Đảng với bộ máy cầm quyền mà là tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam hiện nay (kể cả những người Cộng sản) đều đã xem Đảng như một “bộ máy cầm quyền”. Và trên thực tế, chúng ta có thể khẳng định mà không sợ bị lầm lẫn một chút nào, là Đảng Cộng sản chính là bộ máy cầm quyền độc tôn, toàn trị.
“Đảng của ai, Đảng là ai? Đó là một câu hỏi không những do người dân đặt ra, mà ngay cả đảng viên ở cơ sở và các cấp ủy bên dưới cũng đang đặt ra. Và câu trả lời đã rõ: Đảng về thực chất chỉ là một vài người chủ chốt ở cấp ủy. Có thể nói tuyệt đại đa số đảng viên không còn tác dụng nữa hoàn toàn ngược với trong chiến đấu giải phóng dân tộc” (Bđd).
Đảng viên và lý luận gia cao cấp Trần Độ đã hé cánh cửa cho chúng ta thấy một vấn đề thực, đang là một vấn nạn và phần nào cũng là vấn nạn của chính Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là trên thực tế, quyền lực hiện nay đang bị thao túng trong tay một số đảng viên cao cấp ở Trung ương và địa phương. Nhóm này đang tùy tiện thao túng vận mệnh đất nước, và dĩ nhiên, thao túng ngay cả Đảng. Chính bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam với 2 triệu đảng viên, thực chất cũng chỉ là một công cụ của nhóm này trong việc điều khiển – và bóc lột – cả nước.
“Về phát triển Đảng: “Vào Đảng để làm gì? Trước kia vào Đảng là để hy sinh chiến đấu. Ngày nay vào Đảng là để mưu danh lợi (được đề bạt, lên lương, được đi học, đi nước ngoài). Người muốn vào Đảng nếu không phải luồn lọt nịnh bợ thì cũng phải ngậm miệng ăn tiền. Thực trạng này làm cho Đảng càng ngày càng đông thêm những phần tử cơ hội, giỏi luồn lọt để leo cao hơn, có quyền lợi lớn hơn” (Bđd).
Nhận định trên đây của Trần Độ vốn không phải là một điều mới lạ. Nó là một chuyện mà bất cứ ai hằng quan tâm đến vận mệnh đất nước đều nhận thấy. Ngay cả trong các nghị quyết Đại hội VI, VII đều có nêu ra. Nhưng từ chuyện nêu ra đến cách giải quyết là cả một đoạn đường dài, khó vượt qua đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì tự thân những mâu thuẫn căn bản của chính vấn đề đó. Bởi vì khi nào Đảng còn là một Đảng cầm quyền, và cầm quyền với mục đích thống trị, bóc lột, làm sao có thể thay đổi động cơ vào Đảng của các đảng viên mới, làm sao có thể thay đổi cách suy nghĩ của các đảng viên cũ muốn leo cao hơn cốt chỉ để được ban phát quyền lực lớn hơn, thủ đắc những quyền lợi nhiều hơn?“Bệnh hẹp hòi độc tôn. Biểu hiện ở chỗ không tin vào bất cứ ai ngoài Đảng, bất cứ việc gì cũng phải do người của Đảng nắm. Kết quả là chỉ có Đảng nắm hết mọi việc trong xã hội, bố trí mọi vị trí lớn nhỏ trong bất cứ tổ chức nào (kể cả cơ quan dân cử) mà vị trí nào cũng phải do đảng viên hoặc cấp ủy nắm trực tiếp” (Bđd).Trong điều 4 của hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ghi rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất và toàn diện đối với tất cả mọi vấn đề của đất nước. Dĩ nhiên, phát xuất trên căn bản đó, một hệ quả tất yếu bát buộc phải nảy sinh: Để duy trì sự lãnh đạo của Đảng, tất cả vị trí then chốt trong bộ máy cầm quyền, dứt khoát phải do người của Đảng nắm giữ! Làm sao có thể diệt được bệnh hẹp hòi, độc tôn một khi mà điều 4 hiến pháp đã khẳng định như thế, thưa ông Trần Độ?“Thiếu dân chủ là biểu hiện lớn nhất của bệnh quan liêu. Thiếu dân chủ về tư tưởng, tinh thần, đi tới bóp nghẹt, thậm chí triệt tiêu mọi năng lực suy nghĩ độc lập, không cho bộc lộ những suy nghĩ nhiều chiều khác nhau để tìm ra chân lý của sự vật. Thiếu dân chủ làm cho nhiều người phải cam tâm sống ngậm miệng, sống trong cảnh ngu muội để yên thân. Nó tàn ác và độc hại ghê gớm…” (Bđd).
Một điều cần chú ý là trên đây, ông Trần Độ chỉ nói về bệnh thiếu dân chủ trong nội bộ Đảng. Những tác hại mà ông Trần Dộ nêu ra chỉ là những tác hại đối với đảng viên bên dưới trong Đảng. Mà như ta đã biết, đảng viên dù ở cấp thấp, vẫn là những ông trời con trong xã hội Việt Nam hiện nay. Còn tác hại của căn bệnh quái ác này đối với toàn xã hội sẽ ra sao? Hỏi tức là đã trả lời! Nghìn lần hơn! Làm sao người dân sẽ được hưởng những quyền tự do dân chủ căn bản khi mà chính những đảng viên cấp thấp vẫn chưa được hưởng những quyền ấy?
Trong phần III, dưới tiêu đề “Những yêu cầu mới” Trần Độ đã nêu ra 5 yêu cầu. Quan trọng nhất là yêu cầu đoàn kết dân tộc và yêu cầu dân chủ. Trong yêu cầu đoàn kết dân tộc, Trần Độ viết:
“Ta còn phải đoàn kết với tất cả những người trong quá khứ từng là kẻ thù.. Thế mà trong thực tế, ta đã để cho nhiều tầng lớp nhân dân trong cũng như ngoài nước còn cảm thấy Đảng hẹp hòi, phân biệt đối xử, o ép, truy chụp và giả dối, nói một đàng, làm một nẻo…” (Bđd).
Rõ ràng cho đến thời điểm này mà Trần Độ đưa ra những yêu cầu này, sự đoàn kết rộng rãi giữa Đảng và đông đảo quần chúng vẫn là khẩu hiệu chỉ có trên lý thuyết. Nếu vấn đề không thực sự trầm trọng lắm, không việc gì Trần Độ phải đặt ra thành một vấn đề đối với Đảng và với một giọng văn có vẻ hơi nặng nề như vậy. Trong giai đoạn chiến tranh 1945-1954 và 1960-1975, do những điều kiện chiến đấu ngặt nghèo và do yêu cầu huy động toàn lực; sự “đoàn kết toàn dân” được Đảng tô son đánh phấn rất kỹ. Nhưng ngay sau khi giành được chiến thắng, Đảng liền lộ ra ngay là tác nhân chính yếu của sự mất đoàn kết. Phát động đấu tranh giai cấp, cải cách ruộng đất (mở rộng trên qui mô toàn miền Bắc từ sau 1954, và trước đó ở các vùng do CS kiểm soát), đàn áp văn nghệ sĩ trí thức miền Bắc; đàn áp và thanh trừng ngay số những người không cùng chính kiến cộng sản với mình trong tập thể khối người miền Nam tập kết ra Bắc. Những người này tập kết ra Bắc vốn dĩ vì tin một phần vào chủ trương “đoàn kết” của Đảng. Ngay sau ngày cưỡng chiếm miền Nam, chủ trương đã được thực hiện như thế nào đối với những người có liên hệ với chính thể Quốc gia? Và Đảng đã “đoàn kết” như thế nào đối với các thành viên cũ của Mặt trận Giải phóng miền Nam, con đẻ của chính Đảng?
“Yêu cầu dân chủ là một yêu cầu vừa cấp bách, vừa bao trùm… Dân chủ phải được thực hiện trong Đảng và cả trong xã hội… Đảng không thể lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện trong kiến thức chuyên môn khác nhau. Tóm lại, dân chủ là yêu cầu bao trùm của Đảng và xã hội…” (Bđd).
Hoàn toàn đúng. Yêu cầu dân chủ hiện là một yêu cầu cấp bách của xã hội Việt Nam.
Bệnh thiếu dân chủ đã kéo quá dài và ở mức độ trầm trọng đến mức báo động. Trần
Độ đã nêu lên một yêu cầu mang tính vừa mang tính căn bản vừa mang tính cấp bách.
Nhưng không đợi đến ngày Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (mà Trần
Độ muốn góp ý bằng bài viết nói trên); Đảng của Trần Độ đã cho mọi người, và dĩ nhiên
cho cả tác giả Trần Độ, thấy thế nào là cung cách hành xử của những người cộng sản đối
với vấn đề dân chủ: Đưa ra tòa và kết án các vị lãnh đạo tôn giáo, bắt giam các trí thức
… ngay sau khi Trần Độ nêu ra các yêu cầu này. Thêm một bài học dân chủ dưới chế độ cộng sản!
Trong phần cuối cùng của bài viết mang tên “Một số kiến nghị”, Trần Độ đã nêu lên 10
kiến nghị với Đảng:
  1. Về mục tiêu của Đảng;
  2. Về tính chất của Đảng;
  3. Về vị trí của Đảng trong xã hội;
  4. Về hệ tư tưởng Đảng;
  5. Về nguyên tắc tổ chức Đảng;
  6. Về đảng viên;
  7.  Về hệ thống Đảng;
  8. Về quan hệ Đảng và nhà nước;
  9. Về quan hệ Đảng và các tổ chức xã hội; và
  10. Về quan hệ Đảng và các lực lượng vũ trang.
Trong kiến nghị thứ 4, về hệ tư tưởng Đảng, Trần Độ viết: “Chủ nghĩa Mác Lê-nin có tác dụng lớn trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc và vẫn còn những yếu tố tác dụng tốt trong sự nghiệp phát triển đất nước, nhất là các lý tưởng công bằng xã hội của nó. Nhưng rõ ràng chủ nghĩa Mác Lê-nin không còn đáp ứng đầy đủ với những yêu cầu phát triển đất nước hiện nay đang trong bối cảnh thế giới đã biến đổi căn bản. Nên nêu nền tảng tư tưởng của Đảng ta là tư tưởng Hồ Chí Minh mà nguồn gốc là đạo lý, văn hóa cổ truyền của dân tộc, là chủ nghĩa Mác Lê-nin và là các tinh hoa tư tưởng của nhân loại. Nêu như thế, vừa khẳng định mạnh mẽ tư tưởng Hồ Chí Minh vừa bảo vệ được những yếu tố thích hợp của chủ nghĩa Mác Lê-nin, lại vừa mở rộng tư tưởng ra bốn phương tám hướng” (Phần kiến nghị, Bđd).
Trong những năm gần đây, chúng ta thường thấy trong thuật ngữ CSVN xuất hiện nhóm chữ: tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là từ sau khi hệ thống Cộng sản thế giới sụp đổ. Một khi hệ tư tưởng Mác Lê-nin bị lung lay về mặt giá trị, điều tất yếu phải xảy ra cho CSVN là bám víu vào một hệ tư tưởng khác. Trong giai đoạn hiện nay, họ đang ra sức đánh bóng cho hệ tư tưởng đó.
Đến đây, chúng ta hãy ngưng đọc những gì Trần Độ viết, mà hãy đọc một lý thuyết gia Marxist khác: ông Nguyễn Văn Trấn.
Ông là tác giả cuốn “Viết cho Mẹ và Quốc Hội” vừa được xuất bản. Nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Chiến khu IX trong kháng chiến chống Pháp, nguyên Phó Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, lý thuyết gia Marxist cùng thời với Trần Văn Giàu. Trong tư cách Tổ trưởng Đại biểu Nam Bộ trong Đại hội kỳ II của Đảng CSVN năm 1951 (lúc ấy vừa tái công khai hóa dưới cái tên Đảng Lao Động Việt Nam); ông đã gặp Hồ Chí Minh.
“Tôi báo cáo tình hình, anh em trong tổ nói bộ hết duyên rồi sao mà lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam chỉ đạo cho Đảng ta. Nhưng anh em giao là nói trong tổ cho nhau nghe chớ không phát biểu ở hội trường. Và đã lỡ miệng nói một điều như vậy, trong quan hệ quốctế này thì ngậm miệng đừng nói là hơn”.
Hồ Chí Minh nhắm hí mắt như Staline khi gặp vấn đề khó nghĩ, vì tìm chữ. Tôi thưa tiếp: “Có đồng chí nói hay là ta viết ‘tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh’ có phải hay không!”
Câu nói của tôi làm cho mắt ông già rạng lên theo lời đáp cấp kỳ: “Không, tôi có tư tưởng gì khác ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác Lê-nin. Tôi chỉ có phương pháp để giải quyết thỏa đáng từng vấn đề của ta. Như tôi thường nói “lạt mềm buộc chặt” đó là phương pháp cột cái gì đó của tôi. Mà cho đến phương pháp như vậy thì cũng có sự chỉ biểu của phương pháp biện chứng! Chớ còn tư tưởng  là quan niệm về vũ trụ, về thế giới xã hội con người thì tôi chỉ là học trò của Mác, Ănghen, Lê-nin, chớ làm gì tôi có tư tưởng ngoài triết học Mác” (Nguyễn Văn Trấn, “Viết Cho Mẹ và Quốc Hội).
Chính Hồ Chí Minh đã xác nhận là không hề có tư tưởng nào gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh cả. Ông Trần Độ nghĩ sao về điều này? Hay ông cho rằng trong khoảng thời gian từ 1951 đến 1969, ông Hồ đã xây dựng, hệ thống hóa và hoàn chỉnh một hệ tư tưởng mới? Chắc ngay cả bản thân ông cũng chưa bao giờ nghe nói tới việc này. Tư tưởng Hồ Chí Minh theo Trần Độ nói, có nguồn gốc là các đạo lý, văn hóa cổ truyền, chủ nghĩa Mác Lê-nin và các tinh hoa tư tưởng của nhân loại!!! Ai đã từng đọc qua “Hồ Chí Minh toàn tập” chắc đều nhận thấy rằng đây chỉ là một tập hợp hổ lốn tất cả những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh; mà trình độ nhiều bài đã làm cho người đọc phải ngượng đỏ cả mặt.
Một ví dụ nhỏ; khi có một học viên trong lớp nghiên cứu chính trị dành cho các trí thức CS hỏi Hồ Chí Minh: “Dân chủ tập trung là gì?” Hồ trả lời: “Như các cô các chú có đồ đạc tài sản gì đó thì các cô các chú là chủ, đó là dân chủ. Các cô các chú không biết giữ, tôi giữ dùm cho. Tôi tập trung bỏ vào rương. Tôi khoá lại, bỏ chìa khoá vào túi tôi đây. Đó là tập trung!” (Nguyễn Văn Trấn, Sđd).
Đó là cách suy nghĩ và tư tưởng của Hồ Chí Minh.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH CHỈ LÀ MỘT CÁI PHAO KHÔNG HỀ CÓ TRÊN THỰC TẾ, MÀ ĐẢNG CSVN TRONG CƠN CHẾT CHÌM Ý THỨC HỆ ĐÃ MÊ SẢNG TƯỞNG TƯỢNG RA!
Trong một mục tiêu khác về quan hệ giữa Đảng và các tổ chức xã hội, Trần Độ kiến nghị với Đảng: “Tiến tới phi Nhà nước hóa các tổ chức xã hội để cho các tổ chức đó tự tìm kiếm những phương tiện hoạt động, với sự giúp đỡ của nhà nước một cách công bằng.” (Bđd).
Những lời nói, việc làm và âm mưu của người CS luôn luôn là những gì chúng ta phải để ý. Vì cũng ngay trong tiểu mục này, Trần Độ viết: “Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình thông qua những đảng viên trong các tổ chức đó.”
Thực không có gì rõ ràng hơn, Trần Độ không muốn Đảng từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình, ngay cả trong các tổ chức xã hội! Cũng trong tiểu mục này (lần đầu tiên cũng là lần duy nhất trong toàn bài), Trần Độ nhắc tới báo chí: “Quan hệ giữa Đảng và các cơ quan báo chí cũng theo tinh thần đó.” (Bđd).
Theo tinh thần đó, tức là quan hệ giữa Đảng với báo chí cũng như quan hệ của Đảng với các tổ chức xã hội. Tự do ngôn luận là một quyền tự do căn bản của con người, đã được Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền xác định. Tình trạng không có tự do ngôn luận ở Việt Nam hiện nay đã phản ảnh phần nào mức độ vi phạm nhân quyền và thiếu dân chủ. Để giải quyết vấn đề tự do ngôn luận, Trần Độ chỉ dám nói một câu ngắn ngủi, mơ hồ. Và cứ “theo tinh thần đó” thì Đảng sẽ vẫn lãnh đạo báo chí “thông qua những đảng viên trong các tổ chức” báo chí đó!
Trong phần những kiến nghị đối với Đảng, ở tiểu mục 10, Trần Độ kiến nghị về quan hệ của Đảng và các lực lượng vũ trang: “Tạm thời cứ giữ nguyên thể chế tổ chức đảng trong Quân đội và Công an như hiện nay. Nhưng cần thiết phải nghiên cứu về vai trò của các lực lượng vũ trang và các tổ chức Nhà nước để xác định yêu cầu lãnh đạo của Đảng một cách thích họp hơn, theo hướng các lực lượng vũ trang lấy việc bảo vệ chủ quyền Quốc gia và bảo vệ an ninh Quốc gia làm mục tiêu hàng đầu.” (Bđd).
Đó là toàn văn phần kiến nghị cuối cùng về quan hệ giữa Đảng và các lực lượng vũ trang.
Mao Trạch Đông đã từng nói: “Súng đạn đẻ ra chính quyền”, và hơn ai hết, Đảng CSVN rất lấy làm tâm đắc đối với câu nói đó.
Điều lệ Đảng CSVN đã ghi rõ: “Lực lượng vũ trang là công cụ bạo lực cách mạng của Đảng đối với lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) là sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) là sự lãnh đạo “tuyệt đối, duy nhất, trực tiếp và toàn diện”.
Trong điều lệ Đảng, được sửa đổi trong Đại hội VI, những câu trên vẫn được lập lại, không sai một dấu phẩy. Và thêm vào đó việc thành lập Đảng ủy Quân sự Trung ương (thay Quân ủy Trung ương trước đó và trước hơn nữa mang tên Tổng Quân ủy). Cũng theo điều lệ Đảng: “Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đương nhiên kiêm nhiệm chức Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương”. Trong quân đội, từ khi có chế độ một thủ trưởng (được ban hành đầu thập niên 80, thay cho chế độ hai thủ trưởng: một quân sự, một chính trị như trước) tất cả các sĩ quan có chức vụ Đại đội trưởng hoặc tương đương trở lên, bắt buộc phải là đảng viên và trong lực lượng công an, 100% sĩ quan là Đảng viên. Lực lượng vũ trang là xương sống và cũng là cái mộc che của chế độ. Trong bối cảnh Đảng đã biến thành bộ máy cầm quyền độc tài, bóc lột, lực lượng vũ trang cũng theo đó biến thể thành công cụ đàn áp và kềm kẹp quần chúng.
Trần Độ – chủ trương duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Quân đội và Công an là chuyện đương nhiên. Đảng và chế độ mất hay còn ở là ở ngay ở chỗ đó. Và mấu chốt quyền lực cũng ở ngay chỗ đó. Đảng phải nắm trong tay toàn bộ máy kềm kẹp này. Thực rõ ràng và dứt khoát!
Mặc dù trong bài viết, Trần Độ đã nhận định và kiến nghị điều này, điều nọ; xuyên suốt qua tất cả vẫn là tư tưởng: Duy trì sự lãnh đạo của Đảng và không rời bỏ chủ nghĩa chủ nghĩa Mác Lê-nin (và bây giờ lại thêm tư tưởng Hồ Chí Minh). Những gì Trần Độ kiến nghị với Đảng không phải là kêu gọi sự từ bỏ lãnh đạo toàn diện của Đảng. Mà chỉ nhằm làm cho sự lãnh đạo này vững chắc hơn, ít lộ liễu hơn; và mang một bộ mặt dễ coi hơn về hình thức. Mấu chốt là Đảng vẫn phải bằng mọi cách duy trì cho được quyền lực và chức năng lãnh đạo toàn diện.
Chúng ta phải hết sức thận trọng trong khi phân tích đâu là những ai chống Đảng và đâu là những ai muốn cứu Đảng. Trần Độ, ít nhất là cho tới thời điểm gửi đi bản kiến nghị này, vẫn là người muốn cứu Đảng trong cơn khủng hoảng trầm trọng về ý thức hệ hiện nay.
VÀ CHÚNG TA CHẲNG NHỮNG ĐỪNG NGHE NHỮNG GÌ CỘNG SẢN NÓI, ĐỪNG TIN NHỮNG GÌ CỘNG SẢN LÀM; MÀ PHẢI THẬN TRỌNG NHÌN KỸ NHỮNG GÌ CỘNG SẢN ĐANG ÂM MƯU!
NGUYỄN THIẾU NHẪN

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

LÝ THUYẾT CỦA KMÁC VÀ ANGEN SOẠN NÊN LÝ THUYẾT CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN LÀCHÔM CHỈA XÀO NẤU LẠI TỪ KINH THÁNH CỦA ĐẠO THIÊN CHÚA GIÁO .HAI THẰNG QỦY MÁC.ANGEN NÀY LÀ HAI THẰNG TU XUẤT KG THÀNH LMỤC THÌ THÀNH QỦY .LÝ THUYẾT ĐẠO CỘNG GIÁO TIÊN KHỞI CŨNG TẬP TRUNG TÀI SẢN CHO GIÁO HỘI ( ĐẾN NAY ĐẠO TIN LÀNH VÂN CHƠI TẬP TRUG TÀI SẢN CẤT NHÀ LẤY VỢ CHO MỤC SƯ )TẠI SAO GH CÔG GIÁO BỎ CHỈ VẬN ĐỘG XIN GIÁO DÂN ĐÓG GÓP ? TROG KHI CS BẮT BUỘC ĐÓG ? 85 NĂM CỦA ĐẢG HUY ĐỘNG MỒ HÔI XƯƠG MÁU NHÂN DÂN CÁC ĐẦY TỚ DÂN HỐT MANG VỀ NHÀ HẾT TRƠN RỒI CHƯA HẾT LÒNG THAM CÒN VAY VỀ ĂN TIẾP NÊN NƯỚC KG NGHÈO DÂN KG MẠT LÀ PHẢI RỒI .CU HỒ CÓ SỐNG LẠI CŨNG LÀM MỘT MỚ VỀ NHÀ À CHẴNG PHẢI THẦN THÁNH GÌ ĐÂU . PHƯƠG CHÂM VẶT CHẤT QUYẾT ĐỊNH Ý THỨC NGU GÌ KG ĂN .AI CHẾT MẶC AI TIỀN QUAN BỎ TÚI THÔI .CHÚNG NÓ SẼ TRANH CHỨC ,QUYỀN ,LỢI GIẾT NHAU HÀNG LOẠT THÔI.