Pages

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

NATO chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan


NATO tổ chức một buổi lễ bí mật ở Kabul chiều 28.12 để chính thức kết thúc vai trò của họ trong cuộc chiến ở Afghanistan. Buổi lễ được tổ chức bí mật do Taliban đe dọa tấn công.



Từ 1.1.2015, nhiệm vụ chiến đấu của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế do Mỹ đứng đầu (ISAF) sẽ được thay thế bằng nhiệm vụ “huấn luyện và trợ giúp” của NATO. Khoảng 12.500 binh sĩ nước ngoài ở lại Afghanistan sẽ không tham chiến trực tiếp, mà sẽ giúp đỡ quân đội và cảnh sát Afghanistan trong cuộc chiến chống Taliban.

Buổi lễ ở Kabul do tướng Mỹ John Campbell, tư lệnh ISAF chủ trì. Không chi tiết nào của buổi lễ được tiết lộ vì lý do an ninh.



Phát biểu trong thông điệp Giáng sinh cách đây vài ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Chỉ trong vài ngày nữa, nhiệm vụ chiến đấu của chúng ta ở Afghanistan sẽ trôi qua. Cuộc chiến dài nhất của chúng ta sẽ chấm dứt một cách có trách nhiệm”.

Buổi lễ này sẽ hoàn thành việc chuyển giao từng bước trách nhiệm an ninh cho các lực lượng vũ trang Afghanistan 350.000 người. Lực lượng này đã nhận trách nhiệm an ninh quốc gia kể từ giữa năm ngoái.

Tuy nhiên các cuộc tấn công đẫm máu đã gia tăng gần đây, làm ảnh hưởng tới tuyên bố của NATO nói rằng lực lượng nổi dậy đang suy yếu và khiến nhiều người lo sợ rằng sự can thiệp của NATO đã thất bại.

LHQ cho biết, thương vong của dân thường đã tăng tới mức kỷ lục trong năm 2014, tăng thêm 19% với 3.188 thường dân bị giết tính đến cuối tháng 11.2014.

Cảnh sát và quân đội Afghanistan cũng chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc xung đột, với hơn 4.600 người thiệt mạng trong 10 tháng đầu năm 2014, cao hơn nhiều so với tổng số lính ISAF tử trận kể từ 2001.

13 năm tham chiến kể từ 2001, ISAF này đã mất 3.485 binh lính tử trận, hàng nghìn người khác bị thương. Lúc cao điểm vào năm 2011, có khoảng 130 nghìn binh lính từ 50 quốc gia tham gia ISAF.

Các hãng tin nước ngoài dẫn lời người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid nói: “Nhiệm vụ của Mỹ và NATO đã hoàn toàn thất bại như buổi lễ hôm nay cho thấy.Họ đang tháo chạy khỏi Afghanistan. Họ không đạt được mục tiêu của họ là đánh bại các chiến binh mujahideen Afghanistan, nhưng họ vẫn giữ lại một số lực lượng ở đây để vươn đến mục tiêu xấu xa của họ”.

Các chỉ huy của Mỹ cho rằng, các lực lượng Afghanistan có thể đảm nhiệm được vấn đề an ninh trước thách thức Taliban, cho dù nhiều người lo ngại kịch bản Iraq sẽ lặp lại – khi quân đội Iraq do Mỹ huấn luyện thực tế đã sụp đổ trước sự tấn công của Nhà nước Hồi giáo.

Kể từ năm 2001, hàng tỉ USD viện trợ đã được đổ vào Afghanistan để xây trường học, bệnh viện, đường xá, thúc đẩy quyền phụ nữ, nhưng cũng là cơ hội để tham nhũng lây lan và hạn chế các tiến bộ. Cuộc bầu cử tổng thống năm nay bị phủ bóng bởi sự gian lận và bế tắc kéo dài giữa các bên tham gia bầu cử khiến nguy cơ bất ổn vẫn tiếp tục. Ông Ashraf Ghani được chọn làm tổng thống mới trong thỏa thuận chia sẻ quyền lực, song chính phủ đoàn kết của họ đã không bổ nhiệm được thủ tướng mới 3 tháng sau khi nắm quyền. Ông Ghani hy vọng đem lại hòa bình cho Afghanistan sau nhiều thập kỷ xung đột bằng cách để ngỏ khả năng đàm phán với các nhóm phiến quân. Tuy nhiên, tổng thống tiền nhiệm Hamid Karzai đã có những tiếp xúc tương tự với Taliban nhưng thất bại.

Ngay trước ngày diễn ra buổi lễ, một quả tên lửa đã rơi trúng căn cứ lớn nhất của ISAF tại thành phố Bagram nhưng không gây thương vong gì. Như sự thách thức, Taliban đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Gần đây, các mục tiêu của Taliban ở Kabul gồm cả các khách sạn cho người nước ngoài, các đoàn xe ngoại giao và xe bus của quân đội Afghanistan./Theo M.Y (Lao Động)

Không có nhận xét nào: