Pages

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Người dân và nhà đương cục cần biết cơ chế bảo vệ người bảo vệ nhân quyền

VRNs (27.11.2014) – Sài Gòn – Sáng hôm qua, vào lúc 8 giờ 30 ngày 26.11.2014, tại nhà thờ giáo xứ Thái Hà, DCCT Hà Nội, Diễn đàn xã hội Dân sự và Nhóm làm việc UPR Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Cơ chế của Liên Hợp Quốc về bảo vệ Người bảo vệ nhân quyền”.
Diễn giả thuyết trình gồm Ts Nguyễn Quang A, Blogger Phạm Lê Vương Các và Blogger Nguyễn Hồ Nhật Thành cho hơn khoảng 60 người tham dự, trong đó có sự hiện diện của Đại sứ quán đến từ các sứ quán như Úc, Mỹ, Thụy Điển, Liên minh EU và những người đấu tranh dân chủ đến từ các tổ chức Xã hội Dân sự [XHDS].
Ngay từ sang sớm, lúc 5 giờ,  Ts Nguyễn Quang A đã rời khỏi nhà và ông phải mất 5 tiếng đồng hồ đi bộ 10 cây số để đến buổi tọa đàm, do an ninh mặc thường phục và công an mặc sắc phục đã gây khó khăn và cản trở không cho ông đến buổi Tọa đàm.

Chiều tối hôm trước ngày tổ chức Tọa đàm, Ts Nguyễn Quang A cho VRNs biết những nội dung chính được bàn luận: “Như trong giấy mời chúng tôi gửi cho Bộ Công An, Công an Tp. Hà Nội, cho các Sứ quán, các Tổ chức XHDS và các cá nhân khác thì nội dung chủ yếu xoay quanh Tuyên ngôn của LHQ về việc bảo vệ  ‘Người bảo vệ nhân quyền’. Tuyên ngôn này ra đời theo một Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ vào năm 1999, có 20 điều nói về ‘Người bảo vệ nhân quyền’ là ai, công việc họ làm là gì, họ nên làm như thế nào… Chủ đề chỉ xoay quanh bản Tuyên ngôn này, để cho công chúng VN cũng như các nhân viên công quyền hiểu rõ về những ‘Người bảo vệ nhân quyền’ và góp sức cho họ hoạt động một cách hiệu quả ở đất nước VN này.”
Toàn cảnh Tọa đàm, sáng 26.11, tại Thái Hà - Hà Nội
Toàn cảnh Tọa đàm, sáng 26.11, tại Thái Hà – Hà Nội
Huyền Trang, VRNs: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Quang A, tiến trình của buổi tọa đàm này diễn ra như thế nào ạ?
Ts Nguyễn Quang A: Tiến trình hội thảo có một phần giới thiệu buổi tọa đàm do Blogger Nguyễn Hồ Nhật Thành trình bày. Một phần trình bày ngắn gọn của tôi về những ‘Người bảo vệ nhân quyền’ là ai. Blogger Phạm Lê Vương Các sẽ trình bày chi tiết hơn về Tuyên ngôn bảo vệ ‘Người bảo vệ nhân quyền’ của LHQ. Tiếp đến, Blogger Nguyễn Hồ Nhật Thành trình bày về thực trạng của những ‘Người bảo nhân quyền’ ở VN gặp khó khăn như thế nào, cách đối xử của nhà nước đối với họ ra sao. Sau đó, tôi nói về cơ chế kiểm định nhân quyền phổ quát liên quan như thế nào đến vấn đề bảo vệ những ‘Người bảo vệ nhân quyền’.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Tiến sĩ, trong thư thông báo có đề cập rằng, “trong nhiều năm qua, người bảo vệ nhân quyền tại VN đã không được thừa nhận đúng mức vai trò cao cả của họ…” Theo ông, nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này ạ?
Ts Nguyễn Quang A: Nguyên nhân là do sự hiểu biết của chúng ta còn quá kém. Người dân không biết ‘Người bảo vệ nhân quyền’ là như thế nào. Chính quyền thì càng không muốn cho người dân biết về chuyện này, bởi vì chính quyền xem những người này là thế lực thù địch, thậm chí là phản động. Lẽ ra chính quyền phải tạo điều kiện giúp cho những người đó thực hiện theo đúng công việc của họ, theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn bảo vệ ‘Những người bảo vệ nhân quyền’ của LHQ -đã ra đời cách đây 16 năm. Tôi tin chắc, VN với tư cách là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ [HĐNQ LHQ] cũng đã thông qua bản tuyên ngôn này. Chính trong tình trạng mọi người không hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của ‘Người bảo vệ nhân quyền’ và với sự bưng bít thông tin của nhà cầm quyền, cho nên người dân có thể bị hiểu lầm và chính quyền có cách đổ lỗi cho họ ['Người bảo vệ nhân quyền'], không tôn trọng họ, tuy họ là những người làm việc tốt cho xã hội.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Ts Nguyễn Quang A, có người cho rằng, “các hoạt động của các tổ chức XHDS chưa đến được nhiều người dân, những người ở vùng xa, hẻo lánh nên chưa tác động được sự nhận thức của người dân để họ có thể biết và hiểu hơn về các hoạt động và vai trò của các tổ chức XHDS cũng như ‘Người bảo vệ nhân quyền’ “. Ông, bình luận như thế nào về điều này?
Ts Nguyễn Quang A: Ý kiến này là một ý kiến có lý, bởi vì các hoạt động của các Tổ chức XHDS nhất là các tổ chức XHDS độc lập phải hoạt động trong một khuôn khổ pháp lý rất nghiệt ngã, các phương tiện truyền thông của họ rất eo hẹp, các báo chí của Nhà nước thì ghẻ lạnh họ, chính vì vậy, tiếng nói của họ đến với dân chúng không được như mong muốn. Tuy vậy, các hoạt động của các trang mạng và truyền hình của Dòng Chúa Cứu Thế có một vai trò rất lớn, dần dần nhiều người hiểu rõ hơn về vai trò của các tổ chức XHDS. Tôi hy vọng, với việc làm trên tinh thần xây dựng xã hội và góp phần xây dựng đất nước thì các tổ chức XHDS ngày càng được cộng đồng tôn trọng, và sẽ phải đến một lúc nào đó các cơ quan công quyền phải chấp nhận cho hoạt động trong một môi trường cởi mở hơn. Chỉ trong trường hợp như vậy, tiếng nói của ‘Người bảo vệ nhân quyền’ mới thực sự vươn xa đến từng người dân. Lúc đó, họ mới có thể phát huy hết vai trò và chức năng của mình.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Tiến sĩ, theo ông, giải pháp nào giúp người dân VN hiểu rõ hơn về vai trò của ‘người bảo vệ nhân quyền’, cũng như công việc họ đang làm?
Ts Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ, thông qua các phương tiện truyền thông trên mạng hiện nay và qua cuộc tọa đàm này, chúng tôi hy vọng có thêm 50 người hiểu rõ hơn về những ‘Người bảo vệ nhân quyền’ là ai. Mỗi người lại cố gắng thuyết phục, trình bày cho ba người thân của họ, thì trong một thời gian ngắn chúng ta có được 150 người, những người này tiếp tục thuyết phục với cách như vậy thì số lượng người hiểu về ‘Người bảo vệ nhân quyền’ rất là nhiều. Tôi lạc quan về điều này. Cũng như, các trang mạng có các bài viết phân tích để cho mọi người thấy được rõ hơn về ‘Người bảo vệ nhân quyền’.
Tôi thấy việc hiểu biết của người dân về những ‘Người bảo vệ nhân quyền’ sau cuộc tọa đàm này có thể tăng lên, vì mục tiêu chính của chúng tôi là khởi động một quá trình tìm hiểu và học tập của người dân, kể cả những nhân viên công quyền. Chính vì vậy, chúng tôi đã chính thức mời đại diện của Bộ Công an và đại diện của Công an Tp. Hà Nội đến dự, họ đã nhận được giấy mời, nhưng rất là tiếc khi họ nói rằng, họ là nhân viên viên công quyền nên phải tuân theo các luật lệ hiện hành, cho nên họ không thể đến được bởi vì đối với họ buổi tọa đàm này không hợp pháp”.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Tiến sĩ, cũng trong thông báo cho hay, nhà cầm quyền VN đã chấp nhận một số khuyến nghị về việc công nhận, bảo vệ, và đảm bảo môi trường hoạt động cho những ‘người bảo vệ nhân quyền’ tại Việt Nam, trong Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) tại Thụy Sỹ vào tháng 6/ 2014 vừa qua. Thế nhưng, gần đây nhất vào ngày 02.11, Ký giả Trương Minh Đức bị lực lượng côn đồ -mà ông khẳng định có sự chỉ đạo của nhà cầm quyền Bình Dương- đã hành hung tính mạng ông, hoặc trường hợp của ông Phạm Bá Hải cũng bị côn đồ hành hung… Vậy ông bình luận như thế nào về những lời cam kết của nhà cầm quyền trước LHQ? Tại sao nhà cầm quyền lại không thực hiện những cam kết này ạ?
Ts Nguyễn Quang A: Chính quyền VN đã hứa rất nhiều điều, nhưng trong thực tế họ không thực hiện hoặc thực hiện ngược lại. Đây là một điều mà chúng ta đã biết từ lâu. Liên quan đến những cam kết hay khuyến nghị trong số 182 khuyến nghị mà Nhà nước VN đã đồng ý trong phiên kiểm định kỳ phổ quát tháng 6 vừa qua, thì có 1 – 2 khuyến nghị liên quan đến việc tạo điều kiện bảo vệ ‘Người bảo vệ nhân quyền’. Tuy nhiên, như hai trường hợp thực tế đã được nêu trong câu hỏi, thì tôi có thể kể ra nhiều trường hợp khác nữa, thì đây là một điều mà chúng ta phải nói rõ cho nhân dân VN và thế giới biết. Chính vì thế, những cuộc bàn luận, cuộc tọa đàm phải lên tiếng, phải gây sức ép và đòi nhà đương cục phải thực hiện các cam kết mà VN đã cam kết từ năm 1999 khi LHQ ra tuyên bố này, cũng như những cam kết mà VN đã chấp nhận trong các khuyến nghị UPR vào tháng 6 vừa qua.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Tiến sĩ, theo ông, thì các tổ chức xã hội nên làm gì để nhà cầm quyền dừng ngay việc ‘bạo hành tra tấn’ đối với những ‘người bảo vệ nhân quyền’?
Ts Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ các tổ chức XHDS có thể làm được rất nhiều việc: Thứ nhất, lên tiếng. Thứ hai, phải làm cho chính những người thi hành công vụ của Nhà nước hiểu rằng, họ đã vi phạm trắng trợn Luật pháp VN và vi phạm những cam kết mà VN đã cam kết với quốc tế. Chúng ta có thể tập hợp, giúp đỡ, bảo vệ những người bị bạc đãi như vậy. Chúng ta có thể dùng những cơ chế của HĐNQ LHQ để thu thập chứng cứ, bằng chứng vạch rõ những việc mà nhà chức chắc đã vi phạm. Chúng ta có thể yêu cầu các tổ chức quốc tế có những biện pháp lên tiếng, gây áp lực đối với chính quyền VN.
Tôi nghĩ bản thân những ‘Người bảo vệ nhân quyền’ ở VN, các tổ chức XHDS độc lập ở VN có thể hợp tác với nhau, ví dụ khi một người đi làm một công việc gì đấy thì có một vài người cùng đi để bảo vệ. Tất nhiên việc này không dễ thực hiện, nhưng kinh nghiệm cho thấy, nếu chúng ta hoạt động đơn lẻ thì dễ bị hành hung, và những biện pháp người ta [nhà cầm quyền] dùng côn đồ để chối bay những chuyện này. Nếu có hai ba người cùng đi để ghi lại hình ảnh, tiếng nói… làm bằng chứng, ghi lại bộ mặt của những người hành hung và tìm hiểu họ là ai, họ ở đâu… nếu họ là người của an ninh thì chúng ta vạch ra ông ấy không phải côn đồ mà ông ấy là công an. Tôi nghĩ, có rất nhiều biện pháp như thế ngăn chặn những người hành hung đối với những ‘Người bảo vệ nhân quyền’ ở VN.”
Huyền Trang, VRNs: Xin chân thành cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Huyền Trang, VRNs

Không có nhận xét nào: