Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Cái cách mà chúng ta đã lớn lên


1
Trọng Hiền - Ý định viết note này nảy sinh sau những trao đổi với bạn bè ở một status hôm trước, nói về: Những bài hát tẩy não.
Những Bài Hát Tẩy Não
“Đêm qua em mơ gặp bác hồ/Râu bác dài tóc bác bạc phơ/Em âu yếm hôn lên má bác …”
Vài năm gầy đây mình nhận ra một điều: mình là một nạn nhân của một chế độ giáo dục mang tính chất tẩy não, tuyên truyền. Nhìn quanh, bạn bè mình, các anh chị em mình cũng vậy. Những đứa nhỏ còn chưa biết gì thì đã được tuyên truyền, giáo huấn về hình ảnh một lãnh tụ hiền hòa, tốt bụng chả khác gì các ông tiên trong các chuyện cổ tích.

Đóng góp tích cực cho việc tuyên truyền đó là những bài hát như thế này. Phải nói rằng bài hát này rất xuất sắc: giai điệu hay, dễ thuộc và ngắn gọn súc tích.
Vĩnh biệt tác giả bài hát – ông vừa mới mất hôm qua. Mong ông sám hối.
Trong bài viết này, ngoài những điều đã đề cập trong status trên, mình thử liệt kê thêm vài sự việc có tính chất tương tự để bạn bè mình đọc thêm. Những câu chuyện mình nói ở đây có thể chỉ đúng với ai cùng hay gần trang lứa với mình, còn đối với các thế hệ sau này (cách mình chục tuổi hơn) thì chúng có thể không còn đúng nữa. Đây cụ thể là một lược trình – của những gì mình và các bạn cùng, gần trang lứa hầu như đã trải qua từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành và các phản ứng, tâm lý của chúng ta khi (bị) đặt vào hoàn cảnh đó.

Nhìn lại một quá khứ

Giải thưởng đầu tiên chúng ta nhận, khi chúng ta mới vào trường mẫu giáo, là “cháu ngoan bác Hồ”. Dù chúng ta lúc đó chưa biết bác Hồ là ai, làm gì, nhưng cái giải thưởng đầu đời khi chúng ta làm điều tốt, chăm ngoan, giải thưởng làm chúng ta rất đỗi tự hào, vui sướng ấy là đươc làm cháu ngoan của bác Hồ. Chúng ta sẽ phải nghĩ là, ồ, bác Hồ là tuyệt vời, phải chăm ngoan thì mới được làm cháu bác.
Khẩu hiệu đầu tiên chúng ta hô: “Vì đất nước xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng bác Hồ vĩ đại – sẵn sàng”. Thứ hai hàng tuần khi làm lễ chào cờ chúng ta thường phải hô khẩu hiệu này, mọi người nhớ không. Ở độ tuổi đó chúng ta làm gì hiểu thế nào là “xã hội chủ nghĩa”, thế nào là “lý tưởng bác hồ”. Thế thì tại sao họ lại bắt chúng ta hô cái khẩu hiệu đó?
Bài học làm người đầu tiên chúng ta học: “Năm điều bác Hồ dạy”. Thật ra nội dung năm điều đó là tốt, nhưng tại sao phải là lời bác dạy để mà học theo. Năm điều đó hầu như ba mẹ nào, thầy cô nào lại không dạy chúng ta được nhỉ?
Hội nhóm đầu tiên chúng ta gia nhập là đội thiếu niên tiền phong HCM, mà phải ai học khá giỏi, phải ngoan mới vào được, có lễ gia nhập hội đàng hoàng. Lúc đó chúng ta luôn tự hào về cái khăn quàng đỏ mà chúng ta đeo hàng ngày (Mọi người chắc ai cũng còn nhớ trên trường cái hình cụ Hồ đeo khăn quàng đỏ cho một cô bé thiếu nhi cùng lứa mà chúng ta thường thấy hồi xưa) …
Hội nhóm thứ hai chúng ta gia nhập khi chúng ta lớn lên một chút là Đoàn TNCS HCM. Cái thời nhiệt huyết tuổi trẻ, thích hoạt động nhóm, kết bạn, giao lưu ấy thì các hoạt động của chúng ta hầu như đều chỉ gói gọn trong cái tổ chức này vì đây là nơi duy nhất tổ chức các cuộc vui, phong trào, thi cho chúng ta. Nhưng đoàn không phải là hội nhóm dân sự phi chính trị, thay vào đó nó là một hội nhóm có tính chất chính trị: Đoàn TNCS là cánh tay nối dài của đảng. Chúng ta có thể vô tư nhiệt huyết không vụ lợi, nhưng rất nhiều người đã dùng Đoàn như một bàn đạp chính trị để họ tiến thêm một bước nữa: vào đảng. Đoàn, hội còn theo chân chúng ta đến cả thời sinh viên, thậm chí sau này khi chúng ta chọn công việc trong các cơ quan nhà nước.
Môn lịch sử mà chúng ta học từ cấp hai đến hết cấp 3 chiếm đa số là về chiến tích huy hoàng của đảng ta lãnh đạo nhân dân đánh thắng Pháp, Mỹ bắt nguồn từ việc bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Sách sử được viết nên bởi người chiến thắng ấy đã che lấp rất nhiều sự thật hay những bi kịch dân tộc, như “cải cách ruộng đất miền Bắc” (từ 1953-1956 -> dẫn đến dòng người di cư từ Bắc vào Nam mà ngày nay ta gọi là người Bắc 54), như thảm cảnh thuyền người sau 1975, những sai lầm sau 1975… Sử này khiến chúng ta rất ghét Mỹ, ngụy và bọn tư bản, sử này cũng khiến chúng ta ghét nhà Nguyễn nói riêng và thời phong kiến nói chung, sử này khiến chúng ta tự hào về đảng, về chủ nghĩa xã hội, về các nước anh em, đặc biệt là Liên Xô (may quá – không có Tàu :D).
Khi chúng ta vào đại học, chúng ta được học thêm Lịch sử đảng, tư tưởng HCM, CNXH khoa học … Thật ra các môn này dạy lúc này không có tác dụng tuyên truyền lắm (vì chúng ta đã bắt đầu có khuynh hướng chọn lọc, khó dạy hơn xưa :D ), mà trái lại chúng được dạy là để khiến chúng ta … chán ghét chính trị đến tận cổ, coi chính trị là rỗng tuếch, vô bổ thôi (ai hưởng lợi, hè hè).
Ra đời chúng ta đi làm – rơi vào vòng quay cơm áo gạo tiền. Ngoài việc chúng ta hầu như không còn quan tâm chính trị (vì đa số chán ghét chính trị, coi chính trị là vô bổ như nói ở trên), chúng ta sẽ không còn thời gian công sức để phải hơi đâu kiểm chứng lại đúng sai về những điều chúng ta đã học, đã nghe hồi xưa. Nếu không có cơ duyên nào đó, chúng ta hầu như đã bị đóng khung trong một suy nghĩ chung, được nhào nặn từ nhỏ đến lớn
Báo chí chúng ta đọc hàng ngày: là bị kiểm duyệt gắt gao về nội dung và có hàng loạt các bài viết định hướng người đọc về mặt chính trị.

Cơ duyên và ngã rẽ để nghĩ khác

Có thể là khi chúng ta được tiếp xúc Internet, mạng Xã Hội (như Yahoo 360, như facebook) vì chúng cho ta những thông tin mà chúng ta không được học trên trường lớp trước kia, những thông tin chúng ta không được xem trên báo chí nhà nước và khiến chúng ta bắt đầu suy nghĩ. Sự tương tác với bạn bè, người thân, trao đổi với họ cũng giúp chúng ta suy nghĩ nhiều hơn.
Hoặc có thể là khi chúng ta có cơ hội ra nước ngoài, để được nhìn ngắm lại xã hội cũ chúng ta ở trước đó, so sánh với môi trường nước ngoài, chúng ta bắt đầu suy nghĩ.
Hoặc giả gia đình chúng ta trở thành nạn nhân bị áp bức của chính quyền (như bị thu hồi đất oan), như bị áp bức bởi tham quan, nó cũng khiến chúng ta suy nghĩ và đặt dấu hỏi …

Cơ duyên để … không thoát được

Nếu gia đình chúng ta là gia đình nhà nòi, hạt giống đỏ. Truyền thống gia đình cách mang ấy càng khiến ta tin và yêu vào những gì chúng ta được dạy và học.
Nếu gia đình chúng ta giàu có, sung sướng. Chúng ta đang hạnh phúc, mắc mớ gì phải nghĩ khác, hè hè.
Nếu chúng ta chọn con đường trở thành công an, vào quân đội vì vào đó có nghĩa cơ hội để chúng ta nghĩ khác đi càng ít.
Nếu chúng ta sinh trưởng trong một gia đình không êm ấm, không vẹn toàn, hoặc cha mẹ chúng ta nghèo, khó khăn, không dạy dỗ chúng ta đàng hoàng được, lúc đó chúng ta có thể trở thành ăn cướp, ăn trộm, lừa lọc. Lúc đó càng khó để nghĩ khác.
Hay, chúng ta quá nặng nợ cơm áo gạo tiền, chúng ta không còn thời gian để đọc, để chiêm nghiệm và để nghĩ khác.
Hay a, hay b, hay c …

Kết

Có thể nói chúng ta bị tuyên truyền, nhồi sọ và tẩy não từ nhỏ, ở những thời điểm chúng ta chưa đủ trưởng thành để có khả năng phản ứng, chọn lọc và loại bỏ những kiến thức ấy ngấm vào mình. Việc sinh ra và lớn lên trong một môi trường bị định hướng như vậy đã ảnh hưởng một cách vô hình và nặng nề đến nhân sinh quan, ý thức của mỗi người mà hầu như không ai biết được.
Việc giải thoát mình khỏi những suy nghĩ bị nhồi sọ là điều phải làm. Nhưng phải nói rằng điều này không dễ, vì đôi khi nó gần với việc phủ định chính mình, với những niềm tin và giá trị mình đã xây dựng từ trước đến này. Ngoài ra phải có một cơ duyên nào đó đến với chúng ta để chúng ta phải đặt câu hỏi, suy tư và thật sự bắt mình phải nghĩ khác, thoát khỏi suy nghĩ cũ, nhận thức cũ (Không phải ai cũng có cơ duyên này).
Chúng ta phải nhận ra những điều đã xảy ra với chúng ta trước kia trong quá trình trưởng thành từ nhỏ đến lớn (trong đó ta đóng vai trò là nạn nhân), trước nhất là để giúp mình tỉnh táo không bị ru ngủ như hồi xưa, sau là để không bị lợi dụng để hại người khác và đặc biệt để giúp thế hệ sau, giúp con cháu chúng ta tránh đi vào vết xe chúng ta đã đi – càng nhiều, càng sớm càng tốt. Đó, cũng là mục đích của bài viết này.
Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ, hè hè.

Không có nhận xét nào: