Pages

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Thủ tướng có thực muốn nghe phản biện của trí thức?

Thủ tướng: Phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ
 là những cách thức để đi đến chân lý. Ảnh Vnn

Trong buổi làm việc với Hiệp hội khoa học Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhấn mạnh:

“Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, Chính phủ hết sức quan tâm, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến tư vấn phản biện từ xã hội, các nhà khoa học, giới trí thức trên tinh thần dân chủ, khách quan, khoa học. Chính phủ cho rằng phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý, là cơ sở cho những quyết sách khoa học và đúng đắn”

Nếu đúng như thế thì quan điểm của Thủ tướng đã thay đổi hoàn toàn. Trước đây chính quyền nhà nước đã gây sức ép cho viện Nghiên cứu phát triển IDS do tiến sĩ Nguyễn Quang A và giáo sư Hoàng Tụy lãnh đạo. Viện IDS quy tự nhiều trí thức có tâm huyết và có nhiều phản biện hết sức khoa học. Thế nhưng chính phủ đã cho ban hành Quyết định 97/2009/QĐ-TTg nhằm quản lý chặt các ý kiến phản biện.

Tự nhận thấy IDS không có cơ hội hoạt động trong một môi trường như thế, các vị lãnh đạo IDS đã tự giải thể viện.

Hành động giải thể viện IDS được chính phủ nhìn nhận như một hành động phản kháng, chống đối quyết định của lãnh đạo cao cấp. Phía chính phủ đã có ý kiến kỉ luật ông Nguyễn Quang A, chính Thủ tướng có nhắc lại ý kiến này.

Vụ việc này đã được GS Ngô Bảo Châu từng nhận xét:

"Tôi có theo dõi tuy không chi tiết như giới nhà báo. Nhưng một xã hội mà không biết lắng nghe các ý kiến phản biện là một chuyện tương đối dở"

Nếu bây giờ Thủ tướng kêu gọi giới trí thức phản biện và chính phủ lắng nghe thì nghị định 97 có còn hiệu lực nữa không? Chính phủ có công khai bãi bỏ kỉ luật cho tiến sĩ Nguyễn Quang A hay không?

Nếu nghị định 97 còn được duy trì thì lời nói của Thủ tướng chỉ là mua vui mà thôi.
    FB Quê Choa

(Quê Choa)

Không có nhận xét nào: