Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Hồng Kông nổi sóng do bàn tay Mỹ hay chính Trung Quốc ?


14507529254_78a0b178d7
Thiên Nam
“…tuy không loại trừ sự nhúng tay của CIA nhưng cuộc xuống đường đòi dân chủ và hoạt động bỏ phiếu thu hút sự tham gia của gần 700.000 người ngày 22/6 vừa qua là hệ quả lâu dài của những bất mãn của người dân Hồng Kông về các chính sách của Đại Lục áp dụng cho đặc khu này…”
“Xuống đường 1/7″ và bỏ phiếu “Chiếm giữ Trung tâm” ngày 22/6 ở Hồng Kông có phải xuất phát từ những bất mãn của nhân dân đặc khu với Đại Lục?

Biểu tình ở Hồng Kông có bàn tay đạo diễn của Mỹ?
Hơn 600 ngàn người đã bỏ phiếu đòi dân chủ tại Hồng Kông chỉ sau 2 ngày khi cuộc trưng cầu dân ý không chính thức (do các tổ chức xã hội phát động), tổ chức trực tuyến trên trang web PopVote và tại 15 điểm bỏ phiếu trực tiếp, được phát động vào hôm 21-6 đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc vô cùng lo lắng.
Mặc dù PopVote, địa chỉ để người dân Hồng Kông tham gia bỏ phiếu trực tuyến hoạt động chập chờn do liên tục bị tấn công mạng, nhưng đã có hơn 200 ngàn người bỏ phiếu chỉ trong 5 tiếng đầu tiên. Sau đó, người dân đặc khu rầm rập đội mưa đến bỏ phiếu tại 15 phòng phiếu trực tiếp. Tổng cộng có hơn 689.000 người tham gia bỏ phiếu.
Thời khắc nhạy cảm trước thềm cuộc bỏ phiếu “Chiếm giữ Trung tâm” ngày 22/6 và phong trào “Xuống đường 1/7″, các phương tiện truyền thông Hồng Kông tiết lộ , các nhà lãnh đạo đảng đối lập và ông chủ Hãng truyền thông Next Media Jimmy Lai đã có cuộc họp mật vào cuối tháng 5 với cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz.
Theo tin tờ “Tinh Đảo nhật báo” (Stheadline) Hồng Kông, một cơ quan truyền thông giấu tên của Hồng Kông trước đó đã nhận được thông tin tin cậy, cho biết ông trùm Next Media Jimmy Lai gần đây đã gặp gỡ một số quan chức chính trị “mờ ám” của Mỹ ngay tại Hồng Kông. Qua quá trình điều tra liên tục, đến cuối tháng 5 thì họ phát hiện được một bí mật.
Vào lúc 10h 30 phút buổi sáng ngày, ông Jimmy Lai lên xe rời khỏi tư dinh và đi theo hướng khu Sai Kung. Khoảng 11h, chiếc xe dừng lại tại câu lạc bộ du thuyền Sai Kung – Hồng Kông, ông này chuyển sang 1 chiếc xe chuyên đưa đón khách của sân Golf, tới cầu cảng và lên 1 chiếc thuyền. Một phóng viên đã âm thầm mật phục tại cầu cảng hơn 5 tiếng đồng hồ.
14505495111_6cf687542aNgười Hồng Kông xuống đường trong phong trào “Chiếm giữ Trung tâm”
Mãi đến gần 4 giờ chiều, chiếc du thuyền của ông mới chầm chậm tiến về phía bến tàu, xuất hiện đầu tiên trên boong tàu là một người đàn ông ngoại quốc vóc dáng cao to. Phóng viên nhận ra ông ta là Mark Simon – cựu Chủ tịch chi hội Hồng Kông của Đảng Cộng hòa Mỹ, trợ thủ đắc lực của ông Jimmy Lai, theo sau là một người đàn ông nước ngoài tóc bạc trắng.
Mất nhiều công sức điều tra, mãi tới gần đây phóng viên Hồng Kông mới xác thực được thân phận của người đàn ông ngoại quốc tóc bạc là cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz. Ông này là học giả có uy tín của “Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ”, đang chuẩn bị phát biểu tại hội thảo được hội tổ chức vào ngày 21/5 tại trụ sở của Viện này ở Washington, nhưng đột nhiên bị hoãn và 7 ngày sau ông ta bị phát hiện đang ở Hồng Kông.
Được biết, ông Wolfowitz nhậm chức tại Bộ Quốc phòng Mỹ ngay từ thập niên 70 của thế kỷ trước, có lập trường cứng rắn trong các vấn đề của Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, kiên trì khẳng định Bắc Kinh là sự đe dọa lớn nhất đến lợi ích của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Washington cần phải tăng cường liên minh với các nước láng giềng của Trung Quốc để kiềm chế “con ngựa bất kham” này.
Những năm gần đây, ông Wolfowitz “khá bận rộn” với các vấn đề của Đài Loan với cương vị Chủ tịch hiệp hội thương mại Mỹ-Đài. Ông còn có một thân phận khác mà ít người biết được là chuyên gia phân tích tình báo, được Cựu Tổng thống Bill Clinton ủy thác kiểm tra cơ chế tình báo Mỹ, có mối liên hệ mật thiết khăng khít với cục tình báo trung ương Mỹ CIA.
14507761392_c4db421615Ông Jimmy Lai đã bí mật gặp gỡ “người bạn thân”
là cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz
Theo “Tinh Đảo nhật báo”, ông Wolfowitz từ trước đến nay hầu như không công khai các hoạt động tiếp xúc với Đảng phái đối lập Hồng Kông, lần này trước đêm “Xuống đường 1/7″ đột nhiên xuất hiện tại Hồng Kông, hơn nữa lại có cuộc họp mật với Jimmy Lai 5 tiếng đồng hồ là điều không hề bình thường.
Về vấn đề này, ông chủ của Hãng truyền thông Next Media đã trả lời, đây là cuộc gặp gỡ riêng tư của hai người bạn, trong thời gian trò chuyện không bàn về vấn đề phong trào “Xuống đường 1/7″ và những đề xuất cải cách cuộc bầu cử chính quyền đặc khu Hồng Kông vào năm 2017 theo đúng với “Tiêu chuẩn dân chủ quốc tế”.
Cơ cấu tình báo nào của Mỹ đang hiện diện ở Hồng Kông?
Theo tuần báo “Oriental Outlook” số ra ngày 19 tiết lộ, cơ cấu tình báo phương Tây đã hoạt động tại Hồng Kông từ rất lâu và can dự vào mọi sự vụ chính trị của đặc khu này, trong đó có một tổ chức hoạt động rất khôn khéo, mang tên “Dân chủ hướng tới toàn mỹ” (NED), thành lập năm 1983 và hoạt động tại Hồng Kông đã lâu.
Đây là một cơ cấu tư nhân phi lợi nhuận nhưng lật lại báo cáo tài chính năm 2003, người ta thấy kinh phí hoạt động của Tổ chức này lên tới hơn 55 triệu USD, trong đó hơn 98% được cung cấp bởi các cơ cấu truyền thông của Chính phủ Mỹ. Những khoản đầu tư không nhỏ từ ngân sách hoạt động của họ đã được tài trợ một cách mờ ám cho một số tổ chức phi chính phủ.
NED có mối quan hệ rất mờ ám với Cục tình báo Trung ương Mỹ, không ít thành viên Ban quản lý của nó có quan hệ mật thiết với CIA. Một trong số các Ủy viên điều hành của NED đã từng đảm nhận chức vụ trợ lý ngoại trưởng phụ trách nghiên cứu tình báo. Trong thời kỳ Đảng Dân chủ cầm quyền, ông này đã từng là trợ thủ đắc lực của Giám đốc CIA.
14507529254_78a0b178d7Người Hồng Kông xuống đường phản đối sách trắng của Bắc Kinh
Hai cơ quan trực thuộc của NED là NDI (US National Democratic Institute for International Affairs) và ACILS (American Center for International Labor Solidarity) chịu trách nhiệm tài trợ, bồi dưỡng, huấn luyện và điều phối các hoạt động của một số tổ chức chính trị ở đặc khu Hồng Kông.
Trên trang web của mình, tổ chức này công khai thể hiện sự tự hào vì đã gây cản trở dự luật hóa điều 23 của “Luật cơ bản” Hồng Kông năm 2003, thừa nhận họ là những người đã tài trợ và tham gia tổ chức hoạt động “Xuống đường 1/7″.
Tờ Oriental Daily cho biết, ngoài việc trợ giúp các thế lực bên ngoài, đảng đối lập tiếp tục tổ chức phong trào “Chiếm giữ trung tâm”, triển khai “Kế hoạch trưng cầu dân ý toàn Hồng Kông” bằng cuộc “Bỏ phiếu toàn dân ngày 22/6″ (do Đảng đối lập tự đứng ra tổ chức, không được sự cho phép của chính quyền).
Cách đây vài ngày có thông báo trang web của tổ chức này, nơi có cài đặt các chương trình bỏ phiếu trực tuyến đã bị harker tấn công gây tê liệt, khiến hoạt động bỏ phiếu điện tử bị gián đoạn, người dân phải chuyển sang các trạm bỏ phiếu thực tế.
Ngày 18, Tổng giám sát trưởng cuộc trưng cầu dân ý toàn Hồng Kông Robert Chung (hay còn gọi là Chung Ting Yiu Robert) và người khởi xướng phong trào “Chiếm giữ trung tâm” – Tiến sĩ luật Benny Tai Yiu Ting tuyên bố, quyết định kéo dài thời hạn bỏ phiếu ban đầu ở các trạm phiếu từ ngày 20 đến 22 kéo dài hết ngày 29.
Có dư luận Hồng Kông cho rằng kéo dài thời gian bỏ phiếu “Chiếm giữ trung tâm” nhằm “đạt đủ 100.000 phiếu”. Sự kiện công bố trang web bị harker mạng tấn công mấy ngày trước, rất có thể là tự bịa đặt, gây hiểu lầm cho quần chúng mục đích dựng màn kịch vụng về về phiếu để kéo dài thời gian.
14322318708_4eeb4d4614Người Hồng Kông xuống đường trong phong trào “Chiếm giữ Trung tâm”
Tuy nhiên, tính đến 9 giờ tối (giờ địa phương) ngày 22/6, có đến 689.000 phiếu được đếm ở các điểm bỏ phiếu tại Hồng Kông, vượt xa con số mong đợi của những người tổ chức là 100.000 phiếu. Số người tham gia đông kỷ lục như vậy chỉ sau ba ngày, trong khi cuộc bỏ phiếu kéo dài 10 ngày đã chứng tỏ nhân dân Hồng Kông rất quan tâm đến vận mệnh của mình.
Những vấn đề nổi cộm ở Hồng Kông
Đầu tiên phải nói về “Luật cơ bản”. Đây là tên vắn tắt của “Luật cơ bản về đặc khu hành chính Hồng Kông – Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, trong đó điều 23 là điều quan trọng nhất, được soạn thảo chủ yếu để “diệt trừ hậu họa”, sau khi Trung Quốc đúc rút các kinh nghiệm từ “Sự kiện mùng 4 tháng 6″, tức vụ bạo loạn ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Điều thứ 23 được soạn thảo trong Dự luật bao gồm một số điều khoản nằm trong Hiến pháp Trung Quốc, áp dụng vào đặc khu này, quy định về các hành vi xâm hại đến an ninh quốc gia của Hồng Kông như : Phản quốc ; ly khai ; kích động lật đổ và lật đổ quyền lực nhà nước ; tiết lộ và đánh cắp bí mật quốc gia…
Trong giai đoạn năm 2002-2003, “Luật cơ bản” và đặc biệt là “Điều thứ 23″ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của đông đảo các tầng lớp nhân dân Hồng Kông, dẫn đến phong trào phản đối lập pháp mang tên “Xuống đường 1/7″ ra đời, với sự tham gia của hơn 500.000 người bao gồm đủ mọi tầng lớp.
“Xuống đường 1/7″ là phong trào hoạt động dân chủ lớn nhất Hồng Kông kể từ khi đặc khu này được bàn giao chủ quyền về cho Trung Quốc vào ngày 1/7/1997. Tuy phong trào này chính thức nổ ra năm 2003, nhưng các hoạt động của nó đã bắt đầu được nhen nhóm ngay sau khi Hồng Kông về với Trung Quốc.
Đầu năm 2003, hàng loạt các vụ bê bối và hoạt động không hợp dân ý của các quan chức Hồng Kông đã khiến tình hình chính trị-xã hội đặc khu này dậy sóng. Đầu tiên là ông Antony Leung (Antony Leung Kam Chung) – Bộ trưởng Bộ Tài chính bị cáo buộc có hành vi khuất tất khi mua xe hơi hiệu Lexus sang trọng cho vợ, chỉ vài tuần trước khi ông đề xuất các khoản thuế đánh vào ôtô hồi tháng 3/2003, thu lợi 24.359 USD, sau đó là Bộ trưởng Bộ phúc lợi xã hội và y tế Yeoh Eng-kiong mất chức vì sự kiện bùng nổ dịch SARS.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do chính quyền đặc khu, đặc biệt là bà Regina Ip – Bộ trưởng Bộ bảo vệ an ninh, đã “hùng hổ” thúc đẩy quá trình lập pháp “Luật cơ bản”, đặc biệt là liên quan đến Điều 23 (đã trình bày ở trên) đã khiến dân chúng nổi giận và phong trào “Xuống đường 1/7″ đã bùng nổ đúng vào ngày kỷ niệm 6 năm ngày Hồng Kông trở về Trung Quốc, dẫn đến chính quyền Hồng Kông (thân Đại Lục) phải đình chỉ trình tự lập pháp.
Phong trào “Chiếm giữ Trung tâm” (Occupy Central) là tên gọi vắn tắt của Cuộc vận động “Dùng tình yêu và hòa bình Chiếm giữ Trung tâm” (Occupy Central with Love and Peace), do một số học giả và nhà hoạt động nổi tiếng của Hồng Kông như Tiến sĩ luật Benny Tai Yiu Ting, Mục sư Chu Yiu-ming và ông Chan Kin-man – Giáo sư xã hội học Đại học Hồng Kông khởi xướng.
Hoạt động bắt đầu được tổ chức từ tháng 4/2013 này mô phỏng những phong trào “Chiếm giữ” rầm rộ đã xảy ra tại New York, London và hơn 90 thành phố khác trên thế giới vào năm 2011. Tiêu chí của phong trào dân chủ này là không sử dụng bạo lực, tổ chức chiến dịch chiếm giữ khu trung tâm đặc khu hành chính, nơi có Tòa nhà Chính quyền và Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông làm việc, bằng con đường hòa bình.
Những người tham gia giống như các nhà thuyết giảng, trao đổi nhiệt thành với mọi người nhằm truyền đạt những giá trị hoàn vũ như dân chủ, phổ thông đầu phiếu, công bằng và công lý. Những nhà tổ chức tuyên bố sẵn sàng chấp nhận tù tội để thực hiện mục đích của mình.
Tuy nhiên, kế hoạch cho cuộc tuần hành vào tháng 4/2013 đã được tuyên bố tạm dừng và sẽ được thực hiện trở lại nếu Bắc Kinh không giữ lời hứa xóa bỏ chế độ bầu cử gián tiếp (cho phép Bắc Kinh có thể quyết định ai sẽ được lựa chọn) và đảm bảo quyền bầu cử phổ thông trực tiếp đặc khu trưởng Hồng Kông của người dân đã được xác định vào năm 2017.
Và hiện nay, phong trào “Chiếm giữ Trung tâm” và “Xuống đường 1/7″ lại bắt đầu bùng lên trong thời điểm sắp đến ngày kỷ niệm 17 năm ngày trở về với Đại Lục của đặc khu kinh tế này, khi người dân không hài lòng với “Sách trắng” ra ngày 10-6 và “Luật cơ bản”, đồng thời muốn đưa ra những đề xuất để cải cách cuộc bầu cử chính quyền đặc khu Hồng Kông vào năm 2017 theo đúng với tiêu chuẩn dân chủ quốc tế.
Có thể nhận định là, tuy không loại trừ sự nhúng tay của CIA nhưng cuộc xuống đường đòi dân chủ và hoạt động bỏ phiếu thu hút sự tham gia của gần 700.000 người ngày 22/6 vừa qua là hệ quả lâu dài của những bất mãn của người dân Hồng Kông về các chính sách của Đại Lục áp dụng cho đặc khu này.
Thiên Nam

Không có nhận xét nào: