Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Hà Nội cân nhắc thời điểm kiện Bắc Kinh

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Hà Nội đang "cân nhắc kỹ lưỡng" thời điểm dùng biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Trong khi đó Trung Quốc cảnh báo Việt Nam "sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả" nếu tiếp tục đối đầu.

"Việt Nam vẫn đang nghiên cứu, cân nhắc xem xét kỹ lưỡng về thời điểm thực thi biện pháp này."
Ông Lê Hải Bình nói tại cuộc họp báo chiều thứ Năm 26/6 về khả năng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế: "Chúng tôi cho rằng, biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, văn minh được luật pháp quốc tế và thế giới ủng hộ".

Trước đó, việc Việt Nam ký hiệp định hợp tác với Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) gây suy luận rằng tiến trình pháp lý có thể sớm bắt đầu.
Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể có hành động tương tự như Philippines, tức khiếu nại về đường tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông lên Tòa Trọng tài.
Tuy nhiên phán quyết của Tòa Trọng tài nếu có đều không đi kèm chế tài để bắt buộc các bên thực hiện.

Tàu khảo sát thăm dò

Ông Lê Hải Bình gọi các hành động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông là "đơn phương và ngang ngược".
Mới nhất, Cục Hải sự Trung Quốc đăng thông báo hàng hải số 14050 về việc tàu khảo sát thăm dò vật lý địa cầu Hai Yang Shi You 719 hoạt động tại Biển Đông từ 23/6 - 20/8.
Khu vực này, nằm ở cửa Vịnh Bắc Bộ nơi Việt Nam và Trung Quốc chưa phân định ranh giới, cũng là nơi Trung Quốc đang vận hành giàn khoan Nam Hải 09.
Hồi đầu tháng Năm, Trung Quốc cũng đã chuyển giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 tới vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, sâu trong khu vực kinh tế đặc quyền của Việt Nam.
Quan hệ hai bên gần hai tháng nay đã lâm vào tình trạng rất căng thẳng.
Người phát ngôn Việt Nam nói: "Quan điểm của chúng tôi cho rằng, theo luật pháp quốc tế, thực tiễn quốc tế, trong khi đang phân định các bên không được có hoạt động đơn phương thăm dò khai thác dầu khí ở vùng biển chồng lấn này".
"... nếu nước nào đó một mực làm liều, tiếp tục gây đối đầu, sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả do việc này gây nên."
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân
Ngoài hoạt động dầu khí, Trung Quốc còn tiến hành một loạt các hoạt động khẳng định chủ quyền khác như phát hành Bản đồ địa hình Trung Quốc và Bản đồ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khổ dọc trong đó có đường "lưỡi bò” bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông; đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất mới của Trung Quốc; khởi công xây dựng dự án trường học và hoàn thiện dự án nhà ở công cộng trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa...
Phía Việt Nam cũng tố cáo Trung Quốc dùng "thủ đoạn mới" như dùng tàu kéo để đâm va tàu kiểm ngư của Việt Nam tại khu vực gần giàn khoan 981; điều hàng chục tàu hải cảnh, hải giám và tàu cá tạo vành đai bảo vệ giàn khoan từ ngoài dưới sự yểm trợ của máy bay trinh sát và trực thăng.
Trung Quốc ngược lại tố cáo Việt Nam ngăn cản hoạt động làm ăn bình thường của công ty Trung Quốc.

'Một mực làm liều'

Bắc Kinh cũng đe dọa về các hậu quả cho hành động phản kháng của Việt Nam.
Tân Hoa Xã cho hay ngày 26/6, phát biểu về tình hình Nam Hải (Biển Đông), Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói: "Giữ gìn hoà bình và ổn định của Nam Hải phù hợp với lợi ích chung của các bên".
Khi được hỏi về "một số nước chỉ trích hành động của quân đội Trung Quốc trên Nam Hải là nhân tố gây bất ổn cho an ninh khu vực", ông Dương Vũ Quân nhận định: "Việc này là do cá biệt nước gây nên, trách nhiệm không ở phía Trung Quốc".
Rõ ràng phát biểu của ông Dương là nhằm vào Việt Nam và Philippines, những nước đang có căng thẳng chủ quyền với Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo: "Trung Quốc luôn chủ trương do nước đương sự giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và hiệp thương trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế, nếu nước nào đó một mực làm liều, tiếp tục gây đối đầu, sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả do việc này gây nên".

Không có nhận xét nào: