Pages

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Giáo dục và cơ chế đẻ ra ăn cắp và tham nhũng

VRNs (28.03.2014) – Vĩnh Long – Bạn đọc suy nghĩ gì từ vụ một tiếp viên hàng không hàng Vietnam Airline bị bắt để điều tra vì bị nghi ngờ liên quan đến việc vận chuyển một số món hàng ăn cắp ở Nhật, cùng 20 nhân viên khác của hãng cũng bị cảnh sát Nhật nghi ngờ có liên quan đến việc vận chuyển hàng ăn cắp theo đơn đặt hàng của một phụ nữ Việt Nam sinh sống tại Nhật? Và liền đó là vụ Công ty Tư Vấn Giao Thông Nhật Bản mở cuộc điều tra liên quan đến việc đưa hối lộ cho các quan chức Việt Nam?
14032700005Hai trường hợp trên được xem như một “điệp khúc” của hai trường hợp tương tự đã xảy ra trước đó, năm 2009, cũng liên quan đến nhân viên của hãng Vietnam Airline. Kết cuộc là một phi công của hãng Vietnam Airlines bị kết tội vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam. Còn vụ hối lộ đã xảy ra vào năm 2008 trong công trình đại lộ Đông-Tây cũng liên quan đến nguồn viện trợ ODA từ Nhật và tất cả các trường hợp trên đều do phía Nhật phát hiện ra.

Phải chăng chuyện buôn hàng ăn cắp cũng như việc ăn hối lộ là chuyện đơn thuần liên quan đến một vài cá nhân hay được xem là chuyện bình thường ở Việt Nam hiện nay? Các sự việc này có liên quan đến giáo dục và cơ cấu điều hành đất nước?
Tôi thiển nghĩ, giáo dục không chỉ giúp người ta thủ đắc những kiến thức và những chuyên môn, mà còn giáo hóa người ta qua việc trao dồi, phát huy những đức tính tốt và dẹp bỏ những thói hư, tật xấu. Giáo dục giáo hóa người ta trở nên người sống hữu ích cho bản thân và cho xã hội.
Không biết cách lối và nội dung giáo dục ở nước ta, cũng như cơ cấu điều hành nhà nước thế nào đó, mà khiến cho những vụ ăn cắp diễn ra tràn lan đến nỗi mang tai mang tiếng khắp tư phương thiên hạ? Nghe đâu, trộm cắp ở Nhật, 40% làn gười Việt. Theo BBC Tiếng Việt phát vào ngày 3 tháng 3 năm 2014:  “Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật nói số các vụ chôm đồ bị bắt liên quan tới người Việt tăng mạnh tại Nhật, từ 247 vụ năm 1998 lên 999 vụ năm 2012”.
Còn vấn đề liên quan đến tham nhũng, thì bà con hãy đọc bài nghiên cứu về “Nhận diện tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, nguyên nhân và giải pháp phòng, chống” của GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương, số ra thứ sáu, 03.01.2014. Nói về tham nhũng, tác giả cho rằng: “Có tham nhũng cực lớn, đan xen, phối hợp cả tham nhũng cá nhân lẫn tham nhũng theo nhóm, gọi là lợi ích nhóm (hay nhóm lợi ích bất chính, phi pháp). Đây là dạng tham nhũng có tổ chức, có chủ mưu, thao túng vào tổ chức, thể chế và chính sách cùng những người có trọng trách, có thẩm quyền giải quyết”. Bên cạnh những vụ tham nhũng ‘cực lớn’, ‘có tổ chức’, cũng có cái gọi là tham nhũng nhỏ nhặt:“Có tham nhũng nhỏ, vặt vãnh  trong việc sách nhiễu, cố ý gây phiền hà cho người dân, trì hoãn, dây dưa giải quyết các công việc hành chính – dân sự ở cơ sở, mục đích là buộc người dân muốn được việc thì phải móc tiền trong túi ra..”
Theo nhận xét của ông Hoàng Chí Bảo, điều đáng lưu ý là tham nhũng ở nước ta đã trở nên phổ biến và lây lan: “Tham nhũng từ thấp đến cao, từ đơn lẻ vụ việc, cá thể đến những can dự của số đông của tập thể, phe phái, tập đoàn, vì thế mà xuất hiện, lây lan trở thành phổ biến”.
GS, TS Hoàng Chí Bảo đã phân tích cho thấy có mười nguyên nhân dẫn đến nạn tham nhũng. Trong đó, có đề cặp đến một số nguyên nhân tiêu biểu như sau:
Hệ thống tổ chức bộ máy cồng kềnh, tầng nấc, quan liêu nặng nề.
Hệ thống thể chế luật pháp và tổ chức thực hiện, thi hành luật pháp không đồng bộ, chất lượng thấp, hiệu lực yếu, hiệu quả kém. Vừa bị “rừng luật” cản trở vừa bị “luật rừng” thao túng.
- Kiểm soát quyền lực chậm trễ, không rõ ràng cả trong nhận thức và hành động.
- Đội ngũ công chức thiếu tính chuyên nghiệp. Hoạt động điều hành quản lý thiếu tính hiện đại.
- Cơ chế dùng người, đặt người vào công việc bộc lộ nhiều bất ổn. Thiếu động lực cho tài năng phát lộ, phát triển. Nhân tài, hiền tài, tinh hoa khó, thậm chí không vào được bộ máy.
- Trình độ học vấn, văn hóa, nhất là văn hóa pháp luật thấp, không chỉ ở dân thường mà còn ở tầng lớp có học thức, ở cả công chức, viên chức và quan chức. Coi thường pháp luật còn diễn ra phổ biến.
- Sự thiếu gương mẫu của không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý, kể cả ở cấp cao.  
Trong số những nguyên nhân gây tham nhũng nêu trên, ông Hoàng Chí Bảo cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến bộ máy điều hành nhà nước, liên quan đến vấn đề về giáo dục… Riêng người viết tự hỏi, phải chăng vấn đề trộm cắp và tham nhũng có liên quan đến vấn đề quá tôn thờ chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa hưởng thụ: Đề cao những người làm ra nhiều tiền, làm sao để có nhiều tiền là được. Rồi sau khi có nhiều tiền thì lao vào hưởng thụ, bất chấp hưởng thụ trên mồ hôi, nước mắt, thậm chí trên xương máu của người khác. Vậy làm sao để người ta thay đổi nhận thức về các chân giá trị trong cuộc sống, về tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng sự công bằng xã hội, tôn trọng pháp luật… Đó chẳng phải là nhiệm vụ của ngành giáo dục sao?
Liên quan đến vấn đề tham nhũng, nếu so với các nước khác thì chúng ta nhận thấy nước mình được xếp vào thứ hạng khá cao. Theo bản lượng giá hàng năm về tham nhũng ở nước ta do Tổ Chức Minh Bách Quốc Tế nghiên cứu, Việt Nam được xếp vào thứ hạng khá cao 116/ 177 trong các quốc gia trên thế giới.
Trong khi có rất nhiều ban ngành chống tham nhũng các cấp từ trung ương đến địa phương được lập ra để gọi là chống tham nhũng, khiến người dân không thể không tự hỏi đâu rồi những cơ quan phòng chống tham nhũng? Nhà nước lập ra những ban đó cóhiệu quả không hay chỉ là làm thêm gánh nặng cồng kềnh cho bộ máy điều hành, và gánh nặng về việc lương bỗng bắt người dân phải cong lưng gòng gánh?
Đây là những vụ người ta phát hiện được hoặc đang điều tra để tìm ra manh mối. Còn nhiều vụ khác không ai phát hiện được thì sao?
Đôi khi chúng ta dễ dàng lên án những tên cướp giật ngoài đường trong khi có những trường hợp tham nhũng có qui mô lớn, có tổ chức làm thất thoát ngân sách nhà nước lẫn tiền của công sức nhân dân bị cho “chìm xuồng”, qua loa, phải chăng vì sợ “rút dây động rừng”?
Hỡi những ai có trách nhiệm, đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét loại bỏ những gì là lỗi thời, đặc biệt xem xét lại những vấn đề liên quan đến giáo dục và cơ cấu điều hành bộ máy nhà nước, làm cản trở con đường phát triển của đất nước, và nghiêm túc thực hiện việc đổi mới có tính khoa học, có như thế đất nước chúng ta mới có thể phát triển mạnh về mọi mặt.
Hai Miên

Không có nhận xét nào: