Pages

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Trung Quốc "thèm khát" các chiến hạm mới của Mỹ

(Dân trí) - Sự phát triển vượt bậc trong hỏa lực hải quân của Mỹ chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc càng sốt ruột về các loại vũ khí tinh vi mà nước này nói là cần để phòng thủ. 

Tàu khu trục Zumwalt của Mỹ mới được hạ hủy hôm 28/10.
Bắc Kinh đang theo dõi sát sao sự phát triển của Mỹ về 2 tàu chiến mới, tiên tiến mà nhiều khả năng sẽ hoạt động ở Châu Á-Thái Bình Dương trong những năm tới, các nhà phân tích cho hay.

Việc triển khai các tàu chiến đó sẽ khiến Trung Quốc phải tăng cường các nỗ lực nhằm đẩy nhanh năng lực công nghệ của hải quân và để đảm bảo rằng lực lượng này có thể tự vệ trước các vũ khí tinh vi, Li Jie, một nhà phân tích hải quân Trung Quốc, nói với tờ Thời báo Hoa Nam buổi sáng.
Vào tháng tới, Mỹ dự kiến sẽ chính thức trình làng tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Ford, "người kế nhiệm" của tàu sân bay lớp Nimitz. Theo các tài liệu của quốc hội Mỹ, tàu sân bay lớp Ford chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể đảm nhận thêm 1/4 số lần xuất kích của máy bay, và tạo ra nhiều năng lượng hơn để hỗ trợ các hệ thống tàu, trong khi cần ít thủy thủ hơn.
2 tàu sân bay lớp Ford khác dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2025. Tổng chi phí chế tạo các tàu ước tính lên tới 43 tỷ USD.
Hôm thứ 2, Mỹ cũng hạ thủy tàu khu trục Zumwalt, trước giai đoạn chế tạo cuối cùng. Con tàu dài hơn 30 mét so với các tàu khu trục hiện thời, theo hãng tin AP.
Tàu Zumwalt có thân dạng xé sóng khác thường, hệ thống cơ điện, hệ thống định vị tiên tiến, các tên lửa dẫn đường và một khẩu pháo có khả năng bắn đầu đạn đi xa tới 160 km.
"Tàu sân bay lớp Ford và tàu chiến Zumwalt là 2 tàu hiện đại nhất của hải quân Mỹ và được trang bị một số vũ khí mạnh nhất thế giới. Chúng cho thấy công nghệ đóng tàu của Trung Quốc còn thua xa so với Mỹ", ông Li nói.
"Tất nhiên, Trung Quốc không thể đuổi kịp công nghệ đóng tàu chiến của Mỹ trong vài năm, nhưng ít nhất Bắc Kinh sẽ nỗ lực trong việc phát triển các vũ khí phòng vệ", ông Li cho hay.
Tàu chiến Zumwalt đã được hạ thủy ngoài khơi bang Maine trước khi trở về bến cảng để phục vụ giai đoạn chế tạo cuối cùng.
Zumwalt có thể sản xuất 78 MW điện, đủ để cung cấp cho 78.000 ngôi nhà, khiến nó có thể phục vụ các hoạt vũ khí như pháo điện từ.
Ông Li cho hay Mỹ nhiều khả năng sẽ trang bị tàu chiến Zumwalt tới các căn cứ hải quân tại Guam, Yokosuka tại Nhật Bản, và các cảng tiền tiêu khác ở châu Á.
"Là một tàu khu trục mới, Zumwalt cần thử nghiệm khả năng tác chiến và các hệ thống vũ khí tiên tiến mới tại vị trí tiền tiêu gần Trung Quốc, một trong những đối thủ tiềm tàng của Mỹ", ông Li nói.
Còn nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong tại Macao dự đoán rằng Mỹ sẽ điều ít nhất 2 tàu Zumwalt tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
"Tôi nghĩ một tàu sẽ được trang bị cho Hạm đội 6 đóng tại Naples, Ý, và 2 tàu khác sẽ phục vụ trong Hạm đội 7 ở Yokosuka", ông Antony nhận định.
"Zumwalt sẽ hối thúc Trung Quốc phải phát triển hệ thống pháo điện từ của riêng mình, vốn đã được phát triển nhiều thập niên qua, trong vòng 15 năm".
"Đó là thách thức lớn nhất đối với hải quân Trung Quốc. Một khi quân đội Mỹ sở hữu một vũ khí mạnh như vậy, Trung Quốc ít nhất cũng phải có một lá chắn để phòng thủ", ông Li nói.


Mỹ sẽ "trình làng" tàu sân bay USS Gerald R. Ford vào tháng 11.
Còn tàu sân bay mới USS Gerald R. Ford sẽ sử dụng nhiều công nghệ mới, trong đó có một hệ thống phóng điện từ dành cho các máy bay và tên lửa ESSM của hãng Raytheon nhằm chống lại các tên lửa chống hạm cơ động cao và các vũ khí hiện đại khác.
Chuyên gia quốc phòng Ni Lexiong tại Thượng Hải cho hay do hầu hết các hệ thống vũ khí trên tàu sân bay của Mỹ là mới nên nhiều khả năng Lầu Năm Góc sẽ không điều nó tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngay tức thì.
"Tàu sân bay mới cuối cùng cũng sẽ được điều tới châu Á-Thái Bình Dương, vì 60% các tàu sân bay của Mỹ sẽ đóng ở đó, nhưng không phải ngay tức thì".
"Sẽ không phải là một quyết định thông minh khi khoe ngay vũ khí mới với các đối thủ, vì bạn cần thử nghiệm nhiều lần trước khi bạn có thể đảm bảo chắc chắn rằng nó không bị trục trặc", ông Ni Lexiong nói.
Ông Li cho hay hệ thống phóng điện từ sẽ khiến Bắc Kinh phải đẩy nhanh việc phát triển các thiết bị phóng của riêng mình dành cho các tàu sân bay nội địa.
"Các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc sẽ bỏ boong phóng máy bay kiểu nhảy cầu, hiện đang được sử dụng trên tàu sân bay Liêu Ninh, và sự thành công của Mỹ trong việc phát triển một hệ thống điện từ sẽ buộc Trung Quốc phải cải tiến", ông Li nói.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford đang được hoàn thiện:


An Bình

Không có nhận xét nào: