Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Cơ sở sửa tàu mua từ Nga tại Cam Ranh

Công cuộc hiện đại hóa hải quân đang biến Việt Nam thành một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga
Phó Tổng giám đốc Trung tâm sửa chữa tàu Zvezdochka nói Việt Nam đã đặt chỉ tiêu sẽ hoàn thành trung tâm sửa chữa tàu mua từ Nga tại Vịnh Cam Ranh vào năm 2015.

Thông tin trên được ông Shustikov đưa ra tại triển lãm hải quân NAMEXPO 2013 tổ chức tại Ấn Độ.
Cơ sở này sẽ sửa chữa và bảo dưỡng “toàn bộ tàu nổi và tàu ngầm do Liên Xô và Nga cung cấp [cho Việt Nam]”, Ông Yevgeny Shustikov được hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn lời nói.

Ông này cũng cho biết hiện các chuyên gia của Nga đang làm việc tại Việt Nam để bảo vệ bản thảo thiết kế của dự án này, đồng thời nói phía Việt Nam đã đề ra chỉ tiêu hoàn thành của cơ sở này là vào năm 2015.
Nga và Việt Nam đã trở thành 'đối tác chiến lược' năm 2001, và mối quan hệ này đã được nâng cấp thành 'đối tác chiến lược toàn diện' vào năm 2012.
Trong những năm qua, Việt Nam đã mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo, 4 tàu tên lửa Gepard, bên cạnh các vũ khí khác như 20 máy bay chiến đấu Su-30MK2, hệ thống tên lửa phòng không S-300, tổ hợp tên lửa ven biển Bastion, và tên lửa phòng không Igla.
Hải quân Việt Nam hiện cũng đang sử dụng các loại tàu pháo mua của Nga từ những năm 1990 như tàu Svetlyak, Molniya.
'Quan điểm nhất quán'
"Quan điểm nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự với nước ngoài, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam"
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói hồi tháng 8/2013
Trước đó, trong chuyến công du sang Moscow hồi tháng Tám của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, hai phía Nga và Việt Nam đã thảo luận chi tiết về các vấn đề, nội dung hợp tác trọng tâm như: mở rộng hợp tác hải quân, xây dựng khu vực đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, cung cấp các dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền qua lại trên Vịnh Cam Ranh.
Trả lời Thông tấn xã Việt Nam vào lúc đó, ông Thanh nói hai nước đã thống nhất sẽ hình thành một ‘liên doanh sửa chữa bảo dưỡng’ cho các vũ khí mà Liên Xô từng viện trợ trước đây và các vũ khí mà Việt Nam mới mua từ Nga.
Cũng trong chuyến công du sang Moscow vào tháng 8, Bộ trưởng Thanh tiết lộ phía Nga đã yêu cầu Việt Nam làm đơn giản để họ có thể ‘vào cảng Cam Ranh để sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền và cho quân nhân nghỉ ngơi trong quá trình hành quân’.
Ông cũng cho biết câu trả lời của ông: “Về vấn đề này, quan điểm nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự với nước ngoài, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam.”
Hải cảng Cam Ranh là nơi Liên Xô từng đặt căn cứ hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương từ năm 1979.
Đây từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô bên ngoài lãnh thổ nước này. Hồi đầu thế kỷ trước, năm 1905, Hạm đội Đế quốc Nga dưới thời Đô đốc Zinovy Rozhestvensky (1848-1909) cũng đã sử dụng cảng Cam Ranh trong cuộc chiến Nga-Nhật.
Tuy nhiên hoạt động của hải quân Nga dần dần bị thu nhỏ cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và năm 2002, trước khi thỏa thuận thuê Cam Ranh hết hiệu lực, Nga đã rút hoàn toàn khỏi nơi đây.
Việt Nam sau đó tuyên bố sẽ không sử dụng Cam Ranh cho mục đích quân sự nữa.

Không có nhận xét nào: