Pages

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Kê khai tài sản, cái gốc của vấn đề chống tham nhũng

Anh Vũ, thông tín viên RFA
06272013-failur-in-asset-in-mr-cor.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
bà Lê Hiền Đức, Công dân chống tham nhũng, người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế
Bà Lê Hiền Đức, Công dân chống tham nhũng, người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế
File photos
Ở Việt nam tham nhũng được chính những lãnh đạo cao cấp nhất cho là quốc nạn. Tuy nhiên công tác phòng chống tham nhũng vẫn không hiệu quả. Lý do được cho vì nguồn gốc tài sản vẫn chưa phải kê khai minh bạch. Thông tín viên Anh Vũ cho biết thêm chi tiết.

Việc kê khai tài sản của các cán bộ công viên chức là một việc làm có thể nói mang tính bắt buộc ở hầu hết các quốc gia tiến bộ trên thế giới. Mục đích nhằm tạo sự minh bạch về thông tin tải sản, nguồn thu nhập của cá nhân các công chức. Đó là cách thức được đánh giá mang lại tính hiệu quả cho công tác phòng chống tham nhũng.
Việc kê khai tài sản, nói một đằng làm một nẻo
Ở Việt nam đã có Nghị định số 68/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 08 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/03/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Theo văn bản này thì người kê khai tài sản phải công khai bản kê ấy ở đơn vị công tác, nơi hay đến làm việc.
Theo quy định, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải tự xác định tài sản, giá trị tài sản phải kê khai và tự chịu trách nhiệm về tính trung thực trong việc kê khai của mình. Trong đó, phải có đầy đủ thông tin biến động cũng như số lượng, giá trị tài sản, thu nhập có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên…
Khi nghe thấy thông tin sẽ kiểm kê tài sản của cán bộ cao cấp, trung cấp tôi đánh giá rất cao. Tôi nghĩ rằng phen này sẽ cháy nhà ra mặt chuột. Nhưng thực tế tôi chưa thấy một lần kiểm kê tài sản của ai cả. Rất nhiều cán bộ, năm bảy biệt thự hoàng tráng, chứ không phải là một vài cái nhà
bà Lê Hiền Đức
Tuy nhiên việc kê khai tài sản, thu nhập đã được thực hiện nhiều năm, nhưng dường như chưa mấy minh bạch, do đa số các quan chức rất ngại kê khai tài sản, thu nhập và rất sợ công khai. Nhưng một mặt khác là do các cơ quan quản lý xem nhẹ việc này, họ cho rằng việc kê khai tài sản không giúp gì cho việc chống tham nhũng và thừa nhận một phần là do thiếu cơ sở pháp lý để có thể chế tài xử lý.

Những biệt thự trị giá nghìn tỷ ở ngay Hà Nội. (ảnh minh họa)
Những biệt thự trị giá nghìn tỷ ở ngay Hà Nội. (ảnh minh họa) giaoduc.net
Đánh giá về tình hình thực hiện việc kê khai tài sản công chức ở Việt nam hiện nay, bà Lê Hiền Đức, Công dân chống tham nhũng, người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết: “Khi nghe thấy thông tin sẽ kiểm kê tài sản của cán bộ cao cấp, trung cấp tôi đánh giá rất cao. Tôi nghĩ rằng phen này sẽ cháy nhà ra mặt chuột. Nhưng thực tế tôi chưa thấy một lần kiểm kê tài sản của ai cả. Rất nhiều cán bộ, năm bảy biệt thự hoàng tráng, chứ không phải là một vài cái nhà. Chúng tôi gọi là dột từ nóc dột xuống”Còn Nhà báo Phạm Chí Dũng – TS. Kinh tế ở Sài gòn cho rằng “Thực ra, chủ đề kê khai tài sản công chức đã được đặt ra từ đại hội đảng IX năm 2001. Tuy nhiên thời gian đã trượt qua đúng một con giáp mà tình hình vẫn dậm chân tại chỗ.
Gần đây, báo cáo sơ kết 5 năm triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính Phủ chỉ mới thừa nhận vấn đề kê khai tài sản “còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp”.
Thực ra, chủ đề kê khai tài sản công chức đã được đặt ra từ đại hội đảng IX năm 2001. Tuy nhiên thời gian đã trượt qua đúng một con giáp mà tình hình vẫn dậm chân tại chỗ
Nhà báo Phạm Chí Dũng
Từ nhiều năm nay, dư luận người dân đã đồn đoán về tài sản của nhiều quan chức lên đến hàng trăm triệu USD cho mỗi đầu quan, trong khi thu nhập của gia đình nông dân chỉ chưa đầy 1.000 USD mỗi năm. Đã đến lúc phải lôi các quan lại có tài sản bất thường từ bóng tối ra ánh sáng.”
Từ trước đến nay, có rất nhiều các văn bản hướng dẫn thực hiện việc công khai, minh bạch tài sản nhằm phục vụ cho việc phòng chống tham nhũng trong cán bộ công chức. Song vẫn còn mang tính hình thức và hầu như không kiểm soát nổi. Hiện tượng cán bộ công chức cứ kêu lương thấp nhưng lại sở hữu nhà lầu, xe hơi sang trọng; con cái du học nước ngoài,… là rất phổ biến. Theo báo chí trong nước, có những người đứng đầu địa phương, có những bộ sưu tập đồ cổ lên tới hàng triệu USD, hay các cán bộ chơi những ván cờ tiền tỷ.
Những chiếc xe trị giá hàng chục tỷ giữa thủ đô
Những chiếc xe trị giá hàng chục tỷ giữa thủ đô (ảnh minh họa) tinmoi.vn
Bản kê khai tài sản là bí mật Nhà nước?
Khi được hỏi nguyên nhân do đâu dẫn tới thực trạng trên, Nhà báo Phạm Chí Dũng – TS. Kinh tế cho biết“Việc kê khai hiện nay chỉ dựa vào ý thức tự giác của người phải kê khai, trong khi những người trực tiếp đi xác minh tài sản lại chủ yếu là những người trong cùng đơn vị.
Ý thức tự giác của những người có chức có quyền thấp, vì chỉ cần nhìn vào hố phân hóa thu nhập xã hội khủng khiếp ở Việt Nam là có thể đánh giá.
Việc công khai tài sản cũng không hề được minh bạch trên báo chí theo bất cứ chủ trương nào. Một số cơ quan chính quyền cho rằng việc công khai trên báo chí lại liên quan đến quyền tự do cá nhân được quy định trong hiến pháp.
Một thực tế là người khai man hay xác minh sai đều không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào. Mặt khác, tình trạng những người có chức, có quyền nhờ người thân đứng tên tài sản càng khiến người dân không tin vào chủ trương kê khai tài sản.”
Còn Công dân chống tham nhũng, bà Lê Hiền Đức thì cho rằng ”Quan nào mặt cũng nhọ cả, chỉ có người nhọ ít, nhọ nhiều. Cho nên ai cũng tham nhũng. Chỉ có ai tham nhũng nhiều thì dân thấy rõ, còn ai tham nhũng ít thì dân không thấy được thôi. Nhà dột từ nóc dột xuống, cho nên tất cả các lời tuyên bố về kiểm kê tài sản chỉ là hình thức”.
Vấn đề công khai đến đâu, báo chí và người dân có được tiếp cận bản kê khai tài sản thu nhập không lại là vấn đề vô cùng khó. Bởi bản kê khai tài sản nằm trong hồ sơ của cán bộ, đó là bí mật Nhà nước
Lỗ hổng lớn nhất trong việc quản lý xã hội Việt Nam là quản lý tài sản của cá nhân. Đặc biệt là tài sản thuộc sở hữu của các quan chức, công chức, những người đang tham gia vận hành bộ máy Nhà nước. Chính vì còn lỗ hổng đó nên cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt nam một thời gian dài đã không đạt được kết quả.
Đề xuất giải pháp đột phá cho việc giải quyết vấn đề minh bạch trong kê khai tài sản của công chức hiện nay, Nhà báo Phạm Chí Dũng – TS. Kinh tế có lời khuyên và cho rằng “Muốn giải quyết được vấn đề kê khai tài sản, cần thực hiện ít nhất một số biện pháp như:
Cần dứt khoát kê khai “nguồn thu nhập” để từ đó phát hiện nguy cơ tham nhũng, thay vì chỉ yêu cầu kê khai “tổng thu nhập”.
Cần có quy định nào buộc cán bộ, công chức phải giải trình tăng, giảm tài sản, thu nhập để phát giác những tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng.
Cần công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của những người có chức, có quyền tại đơn vị công tác và ở tổ dân phố, để người dân giám sát. Công khai trên báo chí tài sản một số quan chức bị dư luận phản ánh hoặc tố cáo.
Ngoài việc kê khai tài sản nhà, đất và nguồn tiền cho vợ, con đi học ở nước ngoài, còn phải kê khai cả tài khoản ở ngân hàng nước ngoài.
Và nếu theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” có thể thực hiện một biện pháp khác là phát huy vai trò phản biện và tố cáo của giới blogger.”
Song vấn đề công khai đến đâu, báo chí và người dân có được tiếp cận bản kê khai tài sản thu nhập không lại là vấn đề vô cùng khó. Bởi bản kê khai tài sản nằm trong hồ sơ của cán bộ, đó là bí mật Nhà nước. Chính vì thế, việc bổ sung tài sản kê khai và xác định giá trị thực của tài sản mãi mãi vẫn là việc khó. Nếu như không có một tổ chức phòng chống tham nhũng hoạt động độc lập.

Không có nhận xét nào: