Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Nghe lời Thủ tướng: Giá xăng tăng cao nhất lịch sử trong lúc hi vọng giảm



Giá xăng VN ‘tăng cao nhất trong lịch sử’ (BBC).Tối ngày 28/3, giá xăng dầu trong nước sẽ đồng loạt tăng trong bối cảnh quỹ bình ổn giá của các doanh nghiệp xăng dầu đã cạn.
Giá mới sẽ có hiệu lực kể từ 8h tối, theo đó giá xăng tăng tối đa 1.430 nghìn đồng/lít, dầu diesel tăng 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít, và dầu madut tăng 807 đồng/kg.


Như vậy, mức giá mới 24.580 nghìn đồng/lít xăng hiện là mức cao nhất từ trước đến nay.
Mức cao nhất trước đó là 23.800 nghìn đồng/lít hồi 20/4 năm ngoái. Trong năm 2012, giá xăng đã tăng tổng cộng 6 lần.
Quyết định mới được thông qua của Bộ Tài chính và Bộ Công thương cũng cho biết sẽ khôi phục lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp 300 đồng/lít, kg, đồng thời, ngừng sử dụng quỹ bình ổn giá đối với các chủng loại xăng, dầu.
Chỉ mới vài ngày trước đó, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn lãi lớn vì liên Bộ Tài chính – Công thương vẫn cho xả quỹ bình ổn 2.000 đồng/lít xăng và 800 đồng/lít dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới những ngày qua giảm 5-7%.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết ngày 26/2/2013, giá xăng dầu thế giới tăng ở mức cao, nên giá bán lẻ trong nước thấp hơn giá cơ sở từ 1.000 đồng- 2.300 đồng/lít, khi đó phải điều chỉnh tăng giá bán từ 1.000 đồng – 2.300 đồng/lít.
“Tuy nhiên, để ổn định thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá mà sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp.”
Nguyên nhân tăng giá ngày 28/3, được bộ này giải thích do “giá xăng dầu thế giới tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, trong khi đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã hết.”
“Trong khi đó giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp”.
Tính đến 8h giờ tối, giờ Việt Nam, giá dầu thô trên thị trường New York giao dịch ở mức 96,43 đôla/thùng, giá dầu Brent dao động quanh mức 109 đôla/thùng.
Nguy cơ tái lạm phát?
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với BBC tiếng Việt hồi 26/3 về việc Ngân hàng Nhà nước mới hạ lãi suất, tiến sỹ Lê Đăng Doanh đã cho rằng lạm phát đang phát triển ‘phức tạp’.
Tuy nhiên, ông Doanh nói đến việc chính phủ “đã có nỗ lực không cho phép tăng giá xăng dầu thời gian vừa qua” như là một trong những yếu tố đang góp phần kiềm lạm phát, tạo khoảng trống cho việc hạ lãi suất.
Mặc dù vậy, kinh tế gia này cũng cảnh báo những yếu tố có thể khiến lạm phát quay trở lại:
“Nhưng có nhiều dấu hiệu điện có thể sẽ phải tăng giá vì họ sẽ phải dùng dầu DO để sản xuất thay cho than và khí, vì thế giá thành sẽ lên cao và họ có thể sẽ phải nâng giá điện.”
“Đó là chưa kể đến những yếu tố khác như chi phí y tế của các bệnh viện của một số tỉnh cũng muốn tăng lên.”
“Tất cả những yếu tố đó có thể làm lạm phát tăng trở lại.”
Giờ đây, khi giá xăng dầu đột ngột bị tăng lên mức cao nhất từ trước đến giờ, một trong những yếu tố kiềm chế lạm phát mà ông Doanh nói đến có vẻ như đã mất đi.
“Tạo điều kiện cho xăng dầu kiếm lợi
Trong những ngày qua riêng phần chênh lệch từ khoản tiền trích quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giúp doanh nghiệp đầu mối kiếm lời hàng chục tỉ đồng mỗi ngày.
“Dù dùng quỹ nào, nguồn của người dân đóng góp hay nhà nước hỗ trợ (giảm thuế – PV) nhưng giá đã giảm vẫn để trích quỹ như cũ là không được, trong khi nguồn quỹ đã cạn kiệt vẫn phải chi, doanh nghiệp khó khăn do chi phí đầu vào lớn, người tiêu dùng sức mua cạn kiệt nhưng khi có cơ hội ta lại không giảm giá, mà vẫn bán giá như vậy để móc hầu bao của dân là việc điều hành không tốt”- chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết.
Về việc sử dụng và quản lý quỹ bình ổn, dù người dân đóng góp nhưng hiện nay quỹ lại để ở từng doanh nghiệp đổi mối nắm giữ chứ không tập trung về một mối. Tổng số nguồn quỹ bình ổn còn bao nhiêu cũng không ai công bố, chỉ có các doanh nghiệp nắm quỹ và cơ quan quản lý nhà nước biết được con số đó.
Vì để doanh nghiệp giữ quỹ nên doanh nghiệp có sử dụng tiền quỹ dùng vào mục đích khác cũng đâu ai biết được. Nên cần minh bạch, công khai để người dân nắm rõ.
“Để doanh nghiệp nắm quỹ rất bất hợp lý, Bộ Tài chính cũng từng đề nghị Chính phủ cho tập trung quỹ bình ổn về một mối, nếu có gửi ngân hàng không kỳ hạn vẫn có lãi suất, không để doanh nghiệp cầm như hiện nay, nhưng Chính phủ không đồng ý”, ông Long nói.

Không có nhận xét nào: