Pages

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Bình ổn hay kiếm lợi từ vàng?


Mức giá sàn mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trong phiên đấu giá 28-3 không chỉ làm giá vàng trong nước bùng lên, kéo giãn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, mà còn khiến giới kinh doanh nghi ngờ về mục tiêu bình ổn thị trường vàng của NHNN.
Niêm yết giá vàng chiều 29-3- Ảnh: Thanh Đạm
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề này, TS Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia kinh tế tài chính IMF, nói:

- Đấu giá vàng nhằm mục tiêu bình ổn thị trường thì ít ra mức giá sàn NHNN đưa ra phải bằng hoặc thấp hơn mức giá niêm yết của Công ty SJC, từ đó NHNN cung vàng ra thị trường với giá thấp, làm giá vàng trong nước thu hẹp chênh lệch với giá vàng thế giới. Nhưng ở đây NHNN làm ngược lại, đưa ra mức giá sàn cao hơn giá bán tại Công ty SJC đến 440.000 đồng/lượng.

Đây là màn mở đầu cho thấy rằng NHNN không nắm được thực tế của thị trường vàng mà quản lý giá vàng sẽ càng làm rối thị trường. Giả sử có biến động khiến giá vàng thế giới giảm mạnh trong đêm 28-3 thì NHNN sẽ chịu rủi ro lớn khi “ôm” 24.000 lượng vàng ế.

Nhưng NHNN giải thích rằng mức giá sàn mà NHNN công bố là phù hợp, sát với giá vàng giao dịch thực tế gần đây và có cái nhìn dài hạn?

- Nếu lập luận như vậy, NHNN đã ngầm công nhận rằng mức giá vàng cao lâu nay là có cơ sở, cần gì bình ổn thị trường vàng nữa. Hiện nay giá vàng trong nước cao hơn thế giới 3-4 triệu đồng/lượng, cộng với việc độc quyền vàng làm người dân không có lựa chọn nào khác buộc phải mua vàng giá đắt. Từ đó mới có chuyện bình ổn vàng để kéo giảm cách biệt giữa giá vàng trong nước - thế giới.

Trước đây NHNN tuyên bố chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới chỉ cần 400.000 đồng là hợp lý. Nhưng mới đây lại trả lời rằng mức giá sàn đấu thầu đưa ra được tính toán từ thực tế của thị trường và có cái nhìn dài hạn. Mức giá này lại cao hơn giá vàng đang bán trên thị trường. Chính NHNN đã tự mâu thuẫn với mình. Chưa kể giá vàng trong nước bị chi phối bởi giá vàng thế giới, do vậy giá vàng tăng hay giảm trong tương lai luôn là một ẩn số. NHNN cũng không thể biết trước tương lai của giá vàng để đưa ra “cái nhìn trong dài hạn”.

Phiên đấu thầu sáng 28-3 nhiều chuyên gia đánh giá là thất bại. Theo ông, nguyên nhân từ đâu?

- Chưa có ngân hàng nào trên thế giới độc quyền nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, sau đó đấu giá để cung cấp nguồn cung vàng cho thị trường. Trong khi tại VN, NHNN lại kiêm tất cả vai trò này. Từ sự “ôm đồm” đó khiến dư luận đặt dấu hỏi về khả năng định giá của NHNN trong tương lai, nhất là sau phiên đấu giá thất bại sáng 28-3.

Chuyện lớn lao của NHNN là giải quyết nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Nhưng hiện nay NHNN lại chuyên tâm vào định giá vàng, buôn bán vàng. Giá vàng là do thị trường quyết định. NHNN không thể ngồi họp mỗi sáng để quyết định giá vàng, nhất là khi giá vàng biến động từng giờ từng phút. Thực tế vừa qua cũng khiến dư luận lo lắng liệu mục tiêu bình ổn thị trường có đạt được không hay khi NHNN không theo sát thị trường, thông điệp của NHNN đưa ra không ai hiểu được. Ngoài ra vấn đề ổn định thị trường vàng phải tách biệt với dự trữ vàng. Đưa vàng vào dự trữ ngoại hối là đề nghị lâu dài để đa dạng hóa dự trữ, còn trong ngắn hạn không đem khối dự trữ của NHNN ra đánh cuộc trên thị trường.

Vậy theo ông, trong những phiên đấu thầu tiếp theo phải tính toán giá sàn thế nào để đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới?

- Hiện nay chỉ duy nhất NHNN được quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu. Với biên lợi nhuận 3-4 triệu đồng/lượng như hiện nay, NHNN hoàn toàn có thể đưa ra mức giá sàn thấp hơn giá thị trường để dần đưa giá vàng trong nước về vùng giá thích hợp. Bằng cách đưa ra mức giá sàn thấp dần, NHNN cũng phát tín hiệu để doanh nghiệp, người đầu cơ thấy rằng áp lực giảm giá vàng là có thật và từ đó họ không dám găm giữ nữa mà buộc phải bán ra. Khi đó NHNN đạt được cả hai mục tiêu là tăng nguồn cung cho thị trường và thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Còn hiện nay NHNN đưa ra giá cao hơn thị trường dễ khiến người dân hiểu rằng hóa ra NHNN lại lợi dụng vai trò độc quyền của mình để bắt dân phải mua vàng giá cao.
Giá đấu cao là sát với giá giao dịch thực tế
Ngày 29-3, trên cổng thông tin của NHNN, ông Nguyễn Quang Huy - vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN - cho rằng mục tiêu NHNN đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường. Mức giá sàn bán vàng miếng NHNN công bố trong phiên đấu thầu đầu tiên là phù hợp và sát với giá vàng giao dịch thực tế trong thời gian gần đây.
Việc xác định mức giá sàn bán vàng miếng của NHNN căn cứ vào nhiều yếu tố nhằm đảm bảo nhiều yêu cầu và bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước vì vàng miếng NHNN bán là tài sản của Nhà nước. Mức giá sàn bán vàng miếng NHNN công bố trong phiên đấu thầu hôm qua là phù hợp và sát với giá vàng giao dịch thực tế trong thời gian gần đây.
“Phải khẳng định không thể qua một phiên để giải quyết bài toán mất cân đối về cung cầu vàng miếng trên thị trường. NHNN với tư cách là người mua bán cuối cùng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để tổ chức nhiều phiên đấu thầu bán vàng miếng trong thời gian tới nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường và bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ” - ông Huy nói.
(Tuổi trẻ)

Không có nhận xét nào: