Pages

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Philippines: “Sẽ đối mặt với Trung Quốc dù có Mỹ hay không”

SGTT.VN - Dù vẫn đang là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Nam Á nhưng Philippines vẫn không nhận được nhiều sự ủng hộ của Mỹ trong cuộc đấu tranh giữ chủ quyền trên bãi cạn Scarborough và một phần Biển Đông.

Có lẽ thái độ  l“nước đôi” và phản ứng quá "nửa vời" với Trung Quốc của Mỹ trong vấn đề Biển Đông đã khiến một số quan chức Philippines bực bội. 


Tàu chiến Philippines diễn tập trên biển Đông. 


Trong một bản tin của mình, tờ Bulletin xuất bản tại Philippines cho biết, cách đây 2 tuần khi các quan chức quân sự Philippines tiến hành cuộc hội đàm với những người đồng cấp của quân đội Mỹ tại Honolulu trong khuôn khổ Hội nghị Ủy ban quốc phòng song phương, người đại diện của phái đoàn Philippines đã thẳng thừng tuyên bố “dù có hay không có sự ủng hộ của Mỹ, chúng tôi sẽ vẫn một mình đứng lên đối mặt với Trung Quốc để giữ gìn chủ quyền trên biển Tây Philippines (tên gọi khác của một phần Biển Đông do Philippines tự đặt)”.

Tác giả Roy C. Mabasa của tờ Bulletin trích dẫn tiết lộ của Đô đốc chỉ huy trưởng Hải quân Philippines Alexander Pama: “Ngay khi chúng tôi vừa ngồi vào bàn hội nghị, tôi đã hỏi các sỹ quan quân đội Mỹ rằng liệu chúng ta có thể nói chuyện một cách tự do và thẳng thắn hay không và sau đó tôi đã tuyên bố như vậy”.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã xấu đi rất nhiều kể từ khi cuộc đụng độ giữa tàu chiến Philippines và tàu Hải giám của Trung Quốc nổ ra tại bãi cạn Scarborough trên biển Tây Philippines hồi tháng 4.2012. Bằng sức mạnh quân sự của mình, Trung Quốc đã làm mọi cách để gây sức ép buộc các tàu tuần tra của Philippines phải rời khỏi khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, phía Philippines vẫn khẳng định lập trường của họ đối với vùng biển này là không thay đổi và sẽ làm tất cả để giữ vững chủ quyền quốc gia.
Hồi tháng 6.2012, Trung Quốc đã cho phép chính quyền tỉnh Hải Nam thành lập “thành phố Tam Sa” trong đó bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và một số đảo nhỏ thuộc quyền kiểm soát của Philippines trên Biển Đông.
Mới đây, để củng cố sự chiếm đóng trái phép của mình tại các hòn đảo trên Biển Đông, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt dự án đầu tư 10 tỷ NDT để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cho cái gọi là “thành phố Tam Sa” và gia tăng sức mạnh cho các lực lượng chấp pháp biển (Hải giám, Ngư chính…). Dự án này lập tức vấp phải những phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và Philippines.
"Hành động của Trung Quốc để củng cố 'thành phố Tam Sa' và tuyên bố đường 9 đoạn của mình là vi phạm luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển", tờ Inquirer (Philippines) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Raul Hernandez nói.
Ngày 27.12, khi hay tin Trung Quốc đưa Haixun 21 - một trong những tàu tuần tra lớn nhất được trang bị sân bay trực thăng của nước này ra Biển Đông, đại diện Bộ Ngoại giao Philippines đã lên tiếng tuyên bố sẽ chất vấn phía Trung Quốc đưa con tàu này đến biển Đông nhằm ý đồ gì, phạm vi hoạt động của nó là ở đâu? Và sẽ có phản ứng tiếp theo nếu Haixun 21 vi phạm chủ quyền Philippines.
Cũng trong ngày 27.12, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố sẽ đầu tư 1.337 tỷ peso (32,5 triệu USD) để mua 3 trực thăng AW 109 Power của hãng AgustaWestland, để trang bị cho lực lượng hải quân trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc đang ngày càng gia tăng còn sự hỗ trợ của đồng minh Mỹ lại quá khiêm tốn.
“Việc mua sắm những máy bay trực thăng này là một trong những bước đi cụ thể để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa Hải quân Philippines nói riêng và các lực lượng vũ trang của chúng tôi nói chung”, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin nói. Ông Gazmin khẳng định, thông qua việc mua máy bay trực thăng và những vũ khí, khí tài khác trong tương lai, các lực lượng vũ trang Philippines đang thể hiện quyết tâm “bảo đảm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Những tháng gần đây, quân đội Philippines (vốn được trang bị nghèo nàn) cố gắng nâng cao khả năng phòng thủ và tấn công. Philippines đã và đang đặt mua hoặc cân nhắc nhập khẩu một số tàu tuần tra mới, máy bay phản lực, máy bay vận tải và trực thăng tấn cộng/Theo infonet

Không có nhận xét nào: