Pages

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Vụ tham ô tài sản tại Công ty Cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh: Nguyễn Văn Tuyên bị tuyên phạt 20 năm tù



Hai bị cáo Nguyễn Văn Tuyên và Đỗ Đình Côn tại phiên tòa
Hai bị cáo Nguyễn Văn Tuyên và Đỗ Đình Côn tại phiên tòa
Tiếp tục quá trình xét xử vụ án tham nhũng tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinasin), hôm qua (27-11), TAND tỉnh Nam Định mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh, có trụ sở tại huyện Xuân Trường (Nam Định), một trong những công ty thành viên của Tập đoàn Vinasin về tội “Tham ô tài sản”; xét xử Đỗ Đình Côn, nguyên Kế toán trưởng của công ty về tội “Che giấu tội phạm”.
Theo cáo trạng của VKSND tối cao, lấy lý do chi phí cho hoạt động của Công ty khi cần, Tuyên đã yêu cầu Côn ký trước vào mục “Kế toán trưởng” của Séc rút tiền mặt số AC 081241. Ngày 25-12-2006, Tuyên chỉ đạo nhân viên làm thủ tục rút 4,5 tỷ đồng từ tài khoản của công ty tại Ngân hàng đầu tư phát triển Thành Đô để giao lại cho Tuyên. Tuy nhiên, sau khi cầm tiền, Tuyên không nhập số tiền này vào quỹ tiền mặt của công ty mà giữ lại phục vụ chi tiêu cá nhân.

Tuyên thông báo cho Phòng kế toán của công ty là tạm ứng số tiền này cho công ty cổ phần thương mại đầu tư Cửu Long để thực hiện dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (tại Nam Định). Vì vậy, Đặng Thị Ngọc Minh – lúc đó là kế toán tổng hợp công ty đã lập phiếu thu, nhập quỹ tiền mặt số tiền 4,5 tỷ đồng trên đồng thời lập phiếu chi, chi tạm ứng số tiền 4,5 tỷ đồng cho công ty Cửu Long để phù hợp với nội dung chi tiền mà Tuyên đã chỉ đạo.
Tháng 1-2007, Phạm Thị Yến – Phó phòng kế toán công ty Hoàng Anh (lúc đó là kế toán tổng hợp thay Minh) lập bảng đối chiếu công nợ với công ty Cửu Long, thấy phiếu thu và phiếu chi số tiền 4,5 tỷ đồng trên chưa được ký nên đã hợp thức tại các mục “người lập”, “người nhận tiền”, “thủ quỹ” rồi trình Đỗ Đình Côn, Nguyễn Văn Tuyên ký hoàn thiện chứng từ. Tháng 2-2007, sau khi đối chiếu công nợ, công ty Cửu Long xác nhận không tạm ứng số tiền 4,5 tỷ đồng tiền mặt nên Yến báo cáo lại việc này cho Côn. Côn điện thoại hỏi Tuyên thì được Tuyên biết số tiền 4,5 tỷ đồng đã được mình giữ lại để sử dụng vào việc cá nhân. Tuyên chỉ đạo Côn lập chứng từ thu chi cân đối số tiền 4,5 tỷ đồng sang Công ty cổ phần vận tải xây dựng (Vinaha) – một công ty khác do Tuyên làm Chủ tịch HĐQT và vợ Tuyên làm giám đốc.
Thực hiện chỉ đạo của Tuyên, Côn đã chỉ đạo Yến lập khống 3 phiếu thu để thu lại 4,5 tỷ đồng của công ty Cửu Long. Do không có tiền thực nhập quỹ, để cân đối sổ sách, Côn chỉ đạo Yến lập phiếu chi, chi 4,5 tỷ đồng cho công ty Vinaha với lý do “ứng tiền hàng”. Để thanh quyết toán số tiền 4,5 tỷ đồng trên do công ty Hoàng Anh chi khống sang công ty Vinaha, Côn đã giới thiệu Phạm Văn Sinh- nhân viên công ty TNHH vận tải sông biển Hà Trung (Hải Hậu – Nam Định) mua hóa đơn GTGT khống cho Nguyễn Văn Tuyên sử dụng hợp thức hồ sơ thanh quyết toán. Theo đó, Sinh đã mua hóa đơn khống số 33398, ghi ngày 23-7-2007 của Nguyễn Văn Đính – Giám đốc công ty cổ phần thương mại Trọng Nghĩa, có trụ sở tại Hải Phòng với nội dung: công ty Trọng Nghĩa bán cho công ty Vinaha 495.798kg tôn tấm các loại, trị giá 4.424.997.150đồng. Nhờ có hóa đơn GTGT khống này, Tuyên đã chỉ đạo Côn và các nhân viên dưới quyền tiếp tục hoàn thành việc hợp thức hóa 4,5 tỷ đồng nói trên bằng việc lập khống hợp đồng kinh tế, xuất khống hóa đơn GTGT của công ty Vinaha để Tuyên và vợ là Nguyễn Thị Phương (với tư cách giám đốc Vinaha) lập, hợp thức hóa các chứng từ thu chi, xuất nhập vật tư với nội dung: Công ty Vinaha mua 495.798kg tôn của công ty Trọng Nghĩa, trị giá 4.424.997.150đồng và xuất bán lại cho công ty Hoàng Anh với giá 4.529.114.730đồng. Công ty Hoàng Anh đã thanh toán lại cho công ty Vinaha 4,5 tỷ đồng tiền mặt. Số lượng tôn khống này sau đó được hợp thức bằng cách lập các chứng từ xuất lẫn vào số vật tư xuất thật để đóng các loại tàu của công ty Hoàng Anh, sau đó hạch toán kết chuyển thành chi phí sản xuất…
Trả lời các câu hỏi của HĐXX trong phần xét hỏi, thừa nhận hành vi chỉ đạo rút tiền nói trên nhưng Tuyên phủ nhận việc giữ để chi tiêu cá nhân, khẳng định số tiền được sử dụng cho mục đích mua sắm tài sản cho công ty, trong đó có việc mua 3 ô tô và một số thiết bị máy móc khác. Tuy nhiên khi tòa hỏi các hóa đơn liên quan đến việc mua sắm này, Tuyên không chứng minh được. Riêng Đỗ Đình Côn và nhiều người liên quan, trong đó có các nhân viên kế toán của công ty đều thừa nhận hành vi sai phạm và cho rằng do là cấp dưới, thực chất là người làm thuê nên Giám đốc chỉ đạo thì phải làm.
Trong phần tranh tụng, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định giữ quyền công tố cho rằng, việc truy tố Nguyễn Văn Tuyên về tội “Tham ô tài sản” là hoàn toàn chính xác. Khẳng định hành vi tham ô của Tuyên là đặc biệt nghiêm trọng, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Tòa tuyên phạt Nguyễn Văn Tuyên mức án chung thân về tội “Tham ô tài sản”. Việc Đỗ Đình Côn biết rõ hành vi vi phạm pháp luật của Tuyên nhưng không ngăn chặn, không yêu cầu hoàn trả công ty, không tố giác bị Viện kiểm sát đánh giá là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đề nghị tòa tuyên phạt mức án 3-4 năm tù giam về tội “Che giấu tội phạm”. Các luật sư Bùi Văn Thấm (bào chữa cho Nguyễn Văn Tuyên), Nguyễn Danh Hưng (bào chữa cho Đỗ Đình Côn), trong phần tranh tụng đều nhất trí với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát; chỉ đề nghị tòa áp dụng các tình tiết giảm nhẹ khi nghị án.
Xét tình tiết giảm nhẹ Nguyễn Văn Tuyên đã hoàn trả toàn bộ 4,5 tỷ đồng chiếm đoạt, kết thúc phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Nam Định tuyên phạt Nguyễn Văn Tuyên 20 năm tù; cấm đảm nhiệm chức vụ sau 5 năm mãn hạn. Đối với Đỗ Đình Côn, xét thấy nhân thân tốt, phạm tội trong điều kiện bị phụ thuộc, thành khẩn khai báo, tòa tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.
* Trước đó, liên quan đến vụ án tham nhũng tại Tập đoàn Vinasin, ngày 30-8-2012, Nguyễn Văn Tuyên, nguyên giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh đã bị TAND TP. Hải Phòng xét xử phúc thẩm, tuyên phạt 16 năm tù giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; ngày 27-9-2012 bị TAND tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm về tội “Tham ô tài sản”, tuyên phạt 9 năm tù. Tổng hợp hình phạt là 25 năm tù. Tuy nhiên, trong hạn luật định bị cáo có đơn kháng cáo nên bản án chưa có hiệu lực.
Bị cáo Đỗ Đình Côn, nguyên Kế toán trưởng công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh, ngày 30-8 đã bị TAND TP. Hải Phòng xét xử phúc thẩm, tuyên phạt 10 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt của bản án tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27-11, bị cáo Đỗ Đình Côn bị phạt 13 năm 6 tháng tù.
Trần Duy Hưng

Không có nhận xét nào: