Pages

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Tranh cãi 500 tỷ đồng giữa Western Bank và PVFC



Theo Western Bank, PVFC chưa trả nốt số tiền 500 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng cổ phần ngân hàng, trong khi phía PVFC khẳng định không hề đứng ra thực hiện các giao dịch mua bán này.
Ông Đào Hùng Tiến – thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) – vừa đại diện các cổ đông cũ của ngân hàng gửi công văn cầu cứu đến các cơ quan chức năng và báo chí về những vướng mắc trong thương vụ hợp nhất với Công ty cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC). Những tranh cãi về khoản tiền 500 tỷ đồng giữa hai bên xuất phát từ những thỏa thuận hợp nhất giữa hai tổ chức tín dụng này.
Western Bank là một trong 9 ngân hàng trong diện được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tái cơ cấu trong năm nay, do thanh khoản kém, nợ xấu cao. Hoạt động cho vay của ngân hàng này còn được cho là liên quan nhiều tới cổ đông nội bộ và công ty sân sau.

Trong khi đó, PVFC là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam). Tập đoàn này đang chịu áp lực lớn phải thoái vốn ngoài ngành, trong đó có lĩnh vực tài chính. PVFC cũng đứng trước sức ép lớn khi Thủ tướng yêu cầu “không duy trì” Công ty tài chính PVFC trong nội dung Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Để tồn tại, PVFC phải chuyển đổi mô hình thành ngân hàng. Trong bối cảnh hiện nay, với PVFC hay bất cứ một tổ chức nào, xin cấp giấy phép thành lập ngân hàng mới là không thể. Do đó, lựa chọn hợp nhất với một ngân hàng khác – trong trường hợp này là Western Bank – được xem là khả thi.
Trung tuần tháng 8, thị trường tài chính xuất hiện thông tin PVFC và Western Bank có thể hợp nhất và hai bên đang tiến hành thương thảo về các điều khoản của việc chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên, công văn cầu cứu do Western Bank gửi VnExpress.net cho biết quá trình thỏa thuận này đã bắt đầu từ tháng 4.
Ông Đào Hùng Tiến cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc hợp nhất giữa Western Bank và PVFC, ngày 23/4, hai bên đã ký thỏa thuận nguyên tắc về việc chuyển nhượng cổ phần, thời hạn hiệu lực là 3 tháng. Ngày 14/8, nhóm cổ đông cũ ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Western Bank cho nhóm cổ đông mới PVFC. Theo các cổ đông cũ của Western Bank, nhóm cổ đông mới PVFC đã thanh toán trước 2.365 tỷ đồng và cam kết sẽ thanh toán nốt 500 tỷ đồng còn lại sau khi nhóm cổ đông cũ hoàn thành việc đăng ký các tài sản đảm bảo.
“Tuy nhiên, PVFC không hề quan tâm đến việc này để phối hợp với Western Bank thực hiện các điều khoản. Những động thái chậm trễ như vậy của PVFC và nhóm cổ đông mới cho thấy, rất có thể PVFC đã có phương án với đối tác khác, không còn quan tâm và kết hợp chặt chẽ để làm việc với các cổ đông cũ của ngân hàng”, ông Tiến nêu trong công văn cầu cứu.
Cũng trong công văn này, nhóm cổ đông cũ Western Bank đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoặc cho phép chủ động tìm đối tác mới để thực hiện ngay việc tái cơ cấu nếu PVFC không thực hiện đúng cam kết hoặc cho phép chúng tôi chủ động sáp nhập với ngân hàng khác.
Trao đổi với VnExpress.net, nguồn tin từ PVFC xác nhận có sự việc các cổ đông mới mua cổ phần của Western Bank nhưng chưa thanh toán nốt 500 tỷ đồng còn thiếu. Tuy nhiên, nguồn tin này khẳng định: “Công văn đã nêu chưa đúng khi nói PVFC không thanh toán tiền cho họ. PVFC không tham gia các giao dịch mua bán chuyển nhượng cổ phần của Western Bank mà đây là những tranh cãi giữa nhóm cổ đông cũ và nhóm cổ đông mới của Western Bank. Theo luật pháp, chúng tôi không được phép mua lại ngân hàng”.
Thông tin từ PVFC cũng cho biết nhóm cổ đông mới tham gia mua cổ phần của Western Bank gồm khoảng 30 người. Họ là những cổ đông sẵn sàng đầu tư, bỏ vốn vào ngân hàng này để cùng tham gia tái cơ cấu, dọn dẹp nợ xấu cho Western Bank. Nhóm cổ đông này đã chấp nhận mua cổ phần trên cơ sở kỳ vọng Western Bank sau tái cấu trúc sẽ là ngân hàng lành mạnh, mang lại lợi nhuận cho họ. Việc tham gia của nhóm cổ đông mới là bước đầu tiên và quyết định cả lộ trình tái cơ cấu Western Bank cũng như hợp nhất giữa ngân hàng này với PVFC.
Một nguồn tin từ chính Western Bank thừa nhận không phải các cổ đông mới của PVFC muốn “lờ” việc thanh toán 500 tỷ đồng trên. Nguyên nhân là sau nhiều tháng chờ đợi, đề án tái cơ cấu Western Bank vẫn chưa được hoàn tất và Ngân hàng Nhà nước chưa có ý kiến chỉ đạo nên họ muốn giữ lại số tiền đó để chờ đến khi việc hợp nhất được ngã ngũ.
Western Bank (Ngân hàng Phương Tây), trước đây được biết đến với cái tên Ngân hàng Miền Tây, xuất thân từ ngân hàng nông thôn. Sau 20 năm hoạt động, Western Bank đã chuyển đổi mô hình hoạt động lên ngân hàng đô thị. Ngân hàng Phương Tây hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
Về phần mình, PVFC tiền thân là một công ty chịu trách nhiệm chính là quản lý và thu xếp tài chính cho Tập đoàn Dầu khí cũng như các doanh nghiệp thành viên. PVFC có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 100.000 tỷ đồng.

Không có nhận xét nào: