Pages

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Các lân quốc của Syria không chịu đựng nổi cuộc khủng hoảng người tỵ nạn


Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về Syria
Hôm qua, các nước láng giềng của Syria tiếp nhận hơn 220 ngàn người tỵ nạn chạy loạn từ nước đó, đã nói với Hội đồng Bảo an rằng họ cần sự trợ giúp quốc tế để đáp ứng với thảm kịch ngày càng trầm trọng. Khủng hoảng nhân đạo ở Syria đang tràn qua các lân quốc trong khi các nước này tìm cách ứng phó với khủng hoảng người tỵ nạn ngày càng tăng.
Cho đến giờ này, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận con số người Syria lớn nhất – khoảng 80.000 ngàn người. Ankara nói họ không thể xử lý thêm con số trên 20 ngàn người nữa, lại sắp đến Thổ Nhĩ Kỳ.  Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với 15 thành viên rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chi tiêu hơn 300 triệu đôla, xây 11 trại, và đang lâm vào tình trạng ngày càng khó khăn để xử lý số người tỵ nạn nếu không có sự trợ giúp quốc tế. Ông nói:
“Ðúng thế. Chúng tôi đang xây thêm các trại mới và sẽ cố gắng chuyển người tỵ nạn đến các trại này. Tuy nhiên, chẳng bao lâu chúng tôi sẽ không còn những nơi thích hợp để dựng trại và có phương tiện giúp đỡ hơn.”

Liên Hiệp Quốc nói có hơn 2 triệu người bị thất tán ngay bên trong Syria.
Ngoại trưởng Davutoglu nói phải có biện pháp để bảo vệ họ:
“Ðứng trước một thảm họa nhân đạo như thế, Liên Hiệp Quốc phải khởi xướng việc thành lập các trại dành cho người bị thất tán ngay trong nước ở Syria mà không trì hoãn. Lẽ đương nhiên, các trại này phải được bảo vệ đầy đủ.”
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đang cho người Syria tỵ nạn, và nói rằng các vị đại sứ cần phải nghe những nỗi thống khổ mà người tỵ nạn đã trải qua.
Ngoại trưởng Jordani, ông Nasser Judeh, nói khoảng 12.000 người Syria đã vượt biên vào nước ông chỉ riêng trong 4 ngày, đưa tổng số người tỵ nạn có đăng ký ở đó lên tới hơn 72.000 người. Ông phát biểu qua lời người thông dịch:
“Bất chấp những khó khăn mà chúng tôi phải đối phó, trong tình huống bình thường với các phương tiện hạn chế, chúng tôi chưa tiến hành biện pháp nào để ngăn chặn số người tỵ nạn ngày càng tăng đến Jordani. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ mau chóng đứng trước nguy cơ là tình hinh sẽ vượt gấp đôi khả năng của chúng tôi, và luồng người tỵ nạn khổng lồ có thể đưa đến các hậu quả về an ninh xã hội.”
Liên Hiệp Quốc cho hay con số người Syria tỵ nạn có đăng ký ở Lebanon vượt qua 57.000, trong khi Iraq, hiện cũng đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ xung đột qua ổn định, có hơn 18.000 người.
Hội đồng Bảo an đã chia rẽ sâu xa về vấn đề Syria, với Nga và Trung Quốc đã 3 lần sử dụng quyền phủ quyết để chặn quyết định của Hội đồng.
Cuộc họp hôm qua nhằm mục đích tập trung vào khía cạnh nhân đạo của cuộc khủng hoảng ở Syria, điều mà nhiều nhà ngoại giao nói họ hy vọng tất cả có thể đồng ý với nhau, tuy nhiên phiên họp đã không đi đến được một thông cáo thống nhất nào.
Ðại sứ Hoa Kỳ Susan Rice nói tình hình ở Syria không dựa vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà là một cuộc khủng hoảng chính trị mà nguyên do là “sự tàn ác và nhẫn tâm của chế độ Bashar al-Assad.” Bà nói:
“Không có khối lượng viện trợ nhân đạo nào chấm dứt được đổ máu và đau khổ. Ngày đó chỉ đến khi nào ông Bashar al-Assad ra đi và một cuộc chuyển tiếp qua thể chế dân chủ do người Syria lãnh đạo bắt đầu.”
Trước đó, ngoại trưởng Anh thông báo chính phủ Anh sẽ gia tăng viện trợ nhân đạo thêm 4,75 triệu đôla để đối phó với vụ khủng hoảng. Ngoại trưởng Pháp nói Paris sẽ đóng góp thêm 6 triệu đôla.
Liên Hiệp Quốc cho hay hơn 2 triệu rưởi người đang cấp thiết cần đến sự trợ giúp và bảo vệ bên trong Syria vì hậu quả của cuộc khủng hoảng đã kéo dài 18 tháng. Giới hoạt động và các tổ chức nhân quyền ước tính có ít nhất 20.000 ngàn người Syria đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Không có nhận xét nào: