Pages

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Hà Nội: Dân kinh doanh “buốt ruột” thời…ế ẩm

(Dân trí) - Khách không tới mua hàng, doanh thu tụt giảm 2 đến 3 lần, không đủ tiền chi trả chi phí…đang là những nguy cơ đe dọa các hộ kinh doanh, trung tâm thương mại và các siêu thị điện máy hiện nay.
Đại hạ giá vẫn... ế
Ghi nhận của PV tại thị trường Hà Nội, mặc dù các cửa hàng, siêu thị đang đua nhau “tung” hàng loạt đợt giảm giá lớn về thời trang, đồ gia dụng… nhưng thỉnh thoảng mới có một khách tới hỏi, đa phần đều đang chung cảnh ngộ “ngồi chơi xơi nước”.
Từ các tuyến phố buôn bán nổi tiếng và được xem là “hút” khách bậc nhất Hà Nội như: Chùa Bộc, Bà Triệu, Phố Huế, Tôn Đức Thắng, Cầu Giấy… cho đến những cửa hiệu nhỏ trong những ngõ nghách của Thủ đô đều trưng ra các biển giảm giá, siêu khuyến mãi, thanh lý hàng hè, sale 50- 70%, thanh lý hàng hè nhà thuê hết hợp đồng, mua một tặng một...



Các cửa hiệu "đua nhau" xả hàng, giảm giá
Anh Thắng (chủ một cửa hàng quần áo trên phố Chùa Bộc) cho biết: “Dù cửa hàng đã treo biển hạ giá 30- 50% cả tháng nay nhưng hàng hóa vẫn không tiêu hao đi mấy, nếu như những năm trước thì đã bán gần hết và lấy hàng mới rồi thì năm nay ế ẩm quá!”.
Tại các trung tâm thương mại và các siêu thị điện máy, tình hình cũng có vẻ như cũng không khá khẩm hơn. Tuy đã “tung” đủ các “chiêu trò” khuyến mãi, nhưng hàng hóa vẫn tồn kho quá nhiều.
Khảo sát các loại mặt hàng trên thị trường cho thấy sức tiêu thụ của người tiêu dùng năm nay đã tụt giảm nhanh chóng đối với nhiều mặt hàng, như : máy phát điện (giảm từ 20- 30%), quạt điện không cánh giảm 50%, quạt phun sương giảm tới 30%, tủ lạnh có dung tính từ: 550 đến 700 lít các hãng cũng đua nhau giảm lên tới 15- 20%, nhưng đây là mặt hàng có giá trị khá lớn lên tới chục triệu có khi trăm triệu nên ít có khách hàng hỏi hàng ngày.

Hàng cao cấp cũng tung ra "chiêu trò" khuyến mãi, nhưng vẫn không có khách
Một nhân viên siêu thị điện máy trên đường Cầu giấy cho biết, nếu như mọi năm sức mua tương đối lớn vào mùa hè thì năm nay chỉ may ra quạt điện là túc tắc, còn các mặt hàng khác ế.
“Mật” ít, “ruồi” nhiều 
Trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng eo hẹp lại thì các cửa hàng kinh doanh… “mọc” lên nhiều như nấm sau mưa. Đơn cử như trên tuyến phố Tây Sơn, các cửa hàng cùng kinh doanh mặt hàng quần áo theo phong cách công sở mọc lên san sát và cạnh tranh nhau, tuy nhiên cứ được ít thời gian người ta lại thấy vài cửa hàng “thay tên đổi họ”, thậm chí có của hàng chỉ mới khai trương được 1 tháng đã phải treo biển “ thanh lý toàn bộ cửa hàng”.
Tại phố Chùa Bộc, chỉ trên 1 đoạn ngắn đã có tới 6 của hàng phải đóng cửa để trả lại lại mặt bằng, nhiều cửa hàng khác cũng đang “sống” cầm chừng, nhân viên hàng ngày đến ngồi chơi, tán chuyện là chủ yếu.

Treo mác túi "đẳng cấp" thế giới, nhưng kinh doanh ế ẩm nên vẫn phải cho thuê lại cửa hàng
Chị Linh (ở quận Thanh Xuân) cho hay: “Giá tiêu dùng của các loại dịch vụ tăng cao khiến túi tiền của người dân ngày càng eo hẹp lại, mình phải chi tiêu cho việc ăn uống trong gia đình và tiền sinh hoạt là chính, còn nhu cầu mua sắm cá nhân và mua mới trang bị thiết bị gia dụng phải dừng lại”.
Trong khi đó, anh Hòa - nhân viên kinh doanh một công ty nội thất trên phố Lê Văn Lương nói: “Nếu muốn thuê một cửa hàng ở vị trí “đắc địa” trên con phố nổi tiếng về buôn bán thì phải bỏ ra từ 2.500 đến 3.000 USD/cửa hàng diện tích 50 m2, mặt tiền càng rộng thì giá thuê càng cao, thêm vào đó là đủ các loại chi phí khác như: thuế, tiền điện, lương nhân viên… Tiền bỏ ra đầu tư nhiều mà doanh thu ít, vì thế nếu không bán được hàng thì chuyện phải đóng cửa là đương nhiên”.
Kim Hiền

Không có nhận xét nào: