Pages

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Việt Nam sẽ sáp nhập các ngân hàng thương mại nếu nợ xấu gia tăng

Nhân viên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (REUTERS)
Nhân viên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (REUTERS)
Đức Tâm
Hôm nay, 28/02/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẵn sàng tiến hành sáp nhập các ngân hàng yếu kém và giữ chính sách tiền tệ linh hoạt, nếu như xẩy ra khủng hoảng nợ, làm cho hàng ngàn doanh nghiệp phá sản.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Đồng Tiến, đã viết trả lời các câu hỏi của hãng tin Bloomberg, khẳng định là nếu cần thiết, định chế này có thể sẽ đưa ra một số biện pháp để mua lại hoặc sáp nhập các ngân hàng yếu kém, theo đúng Luật về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Bloomberg, Việt Nam đã nỗ lực cải cách hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu, hậu quả của việc mở rộng cấp tín dụng trong nhiều năm qua, trong lúc cán cân thương mại bị thâm thủng và tỷ lệ lạm phát cao nhất ở châu Á.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết là trong năm nay, một số ngân hàng có thể không được phép cấp thêm tín dụng, sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giải quyết vấn đề thiếu vốn trong quý một năm nay.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải xử lý các ngân hàng yếu kém một cách kiên quyết và mạnh mẽ hơn nữa. Nếu tiến trình cải cách hệ thống ngân hàng không được tiến hành tốt, thì toàn bộ nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn định.
Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cho phép tiến hành các hoạt động mua lại hoặc sáp nhập trên cơ sở « tự nguyện », trong lúc đó, Ngân hàng Nhà nước tập trung cải thiện nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng.
Cuối năm ngoái, ba ngân hàng thương mại của Việt Nam là Ngân hàng cổ phần Đệ Nhất (Ficombank), Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã sáp nhập với nhau nhằm nâng cao khả năng huy động, hỗ trợ vốn, giảm chi phí hoạt động.
Theo website của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 50 ngân hàng hoạt động tại Việt Nam trong đó có 5 ngân hàng thương mại của Nhà nước và 5 ngân hàng có vốn nước ngoài 100%. Năm ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam có tổng tài sản lên tới 63 tỷ đô la.
Công ty tư vấn Anh Quốc Capital Economics đánh giá rằng nợ xấu tại Việt Nam có thể cao gấp ba lần con số thẩm định chính thức và có thể tăng nhanh. Trong khi đó, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết năm ngoái, có khoảng 150 ngàn công ty bị phá sản hoặc phải ngừng hoạt động do khó khăn tài chính.
Năm ngoái, tăng trưởng của Việt Nam chỉ ở mức 5,89%, thấp hơn mức của năm 2010 là 6,78%. Cũng trong năm 2010, cả ba công ty thẩm định tài chính quốc tế là Fitch Rating, Moody’s và Standard & Poor’s đã hạ điểm tín nhiệm của Việt Nam. Năm ngoái, 2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá 7% tiền đồng.

Không có nhận xét nào: