Pages

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Hợp tác quốc phòng Việt Trung và tranh chấp biển Đông

Photo courtesy of Danlambao
Biểu tình chống Trung Quốc lần thứ hai tại
TPHCM hôm 12/06/2011.
Việt Hà, phóng viên RFA

Mặc dù quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có lúc trở nên căng thẳng trong năm 2011 với những tranh chấp liên quan đến chủ quyền trên biển Đông, nhưng hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong suốt thời gian qua vẫn tiếp tục phát triển.
Quan hệ quốc phòng hai nước đóng vai trò gì trong việc giải quyết các tranh chấp, bảo đảm an ninh chung và tương lai của quan hệ này ra sao? Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.
Với tinh thần hợp tác phát triển và là đối tác tin cậy của mọi nước trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng của mình với nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, nước vốn đang có những tranh chấp về chủ quyền khá gay gắt với Việt Nam trên biển Đông.


Xây dựng lòng tin

Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng bộ quốc phòng Việt Nam nói với báo quân đội nhân dân hồi tháng 8 năm ngoái nhân đối thoại chiến lược quốc phòng hai nước rằng: quan hệ quốc phòng trước hết tạo ra sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước. Mối quan hệ quốc phòng càng sâu, càng cao thì sự tin cậy về hòa bình, tin cậy về ổn định cũng như tin cậy về nhu cầu hợp tác càng tăng lên. Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với Trung Quốc đã có truyền thống từ trước đến nay.
Có thể nói hợp tác quốc phòng Việt Nam Trung Quốc đã phải trải qua nhiều gập ghềnh theo lịch sử quan hệ giữa hai nước. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, quan hệ này có thể được miêu tả là phát triển tốt đẹp. Theo báo Quân đội nhân dân, kể từ năm 1949, theo yêu cầu của lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, Việt Nam đã cử bộ đội sang giúp cách mạng Trung Quốc. Sau đó Việt Nam cũng bắt đầu đón những đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đầu tiên sang giúp Việt Nam kháng chiến.

luong-quang-liet-phung-quang-thanh-250.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trong nghi thức chào đón tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản tại Hà Nội ngày 12 tháng 10 năm 2010. AFP PHOTO.
Trong cuộc chiến với người Mỹ, Việt Nam cũng tiếp tục nhận được những giúp đỡ của Trung Quốc về vũ khí và lương thực. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc hồi những năm 1970 nhận xét:

“Hồi đó cũng tốt đấy dù họ cũng có động cơ riêng nhưng họ giúp ta trong công cuộc đánh Pháp, đánh Mỹ. Quan hệ quốc phòng là tốt. Họ giúp ta về súng ống, quân trang, rồi thực phẩm là lương khô.”
Tuy nhiên hợp tác quốc phòng tốt đẹp của hai nước đã nhạt dần trong những năm 1970 và chấm dứt với cuộc chiến biên giới giữa hai nước vào năm 1979.
Quan hệ này chỉ được nối lại kể từ năm 1991 sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ với những chuyến viếng thăm của lãnh đạo cấp cao của bộ quốc phòng hai nước. Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đã đến thăm Trung Quốc 7 lần trong suốt 20 năm qua, còn Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã đến thăm Việt Nam hai lần mà lần gần đây nhất là vào năm 2010 nhân hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM +) lần đầu tiên tại Hà Nội. Bộ Trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã khẳng định với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến đi này là Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với quân đội nhân dân Việt Nam, nguyện cùng phía Việt Nam đưa quan hệ giữa quân đội hai nước bước lên tầm cao mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp.
Cho nên ở chừng mực nào đó thì đó là các biện pháp xây dựng lòng tin.
GS Carl Thayer
Sự phát triển của mối quan hệ này còn thể hiện ở việc hai nước đã nâng đối thoại chiến lược quốc phòng giữa hai bên lên cấp thứ trưởng vào năm 2010.
Theo giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc, chuyên gia về Đông Nam Á, hợp tác quốc phòng Việt Trung phát triển là cần thiết cho cả hai phía và có thể tách rời khỏi những tranh chấp về chủ quyền trên biển giữa hai nước:
“Trước hết hai nước có chung một đường biên giới cả trên bộ và trên biển, ít nhất thì cũng là vịnh Bắc bộ. Hai nước kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991 đã gỡ bỏ mìn ở vùng biên giới bộ, chuẩn bị cho việc tuần tra chung sau khi phân định vịnh bắc bộ.
Hai bên đã có ít nhất 11 chuyến tuần tra chung trên biển trong vùng đánh cá chung. Cho nên trong một số lĩnh vực nhất định, quân đội hai nước có thể hợp tác mà không liên quan đến những căng thẳng trên biển Đông. Nếu bỏ qua những hợp tác này thì bạn sẽ chỉ như người mù vì không biết được bên kia nghĩ gì, họ lập luận ra sao.”

nguyen-phu-trong-china-250.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang duyệt hàng quân danh dự. Screen cap. China Central TV.
Hai nước đã tiến hành chuyến tuần tra chung thứ 11 trên vịnh Bắc Bộ vào ngay giữa năm 2011 khi căng thẳng giữa hai nước trên biển Đông tăng cao.

Vào tháng 11 năm 2001, lần đầu tiên tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc đã tới thăm Sài Gòn. Tiếp sau đó là các chuyến thăm khác vào tháng 11 năm 2008, tháng 8 năm 2009 và gần đây nhất là chuyến thăm vào tháng 12 năm 2010. Tàu chiến Việt Nam cũng ghé thăm các cảng của Trung Quốc vào năm 2009 và tháng 7 năm 2011.
Đánh giá về các hoạt động này của hai nước thời gian qua, giáo sư Carl Thayer nhận định:
“Cả hai nước đều biết đây là một trò chơi và họ cố gắng che giấu những bí mật có thể nhưng đều biết đây là một biện pháp ngoại giao hải quân để hải quân hai nước biết nhau hơn. Chúng ta không thể nói là Việt Nam và Trung Quốc đang có chiến tranh, mặc dù có tranh chấp, có căng thẳng. Nhưng Trung Quốc mới đây cũng đã cứu một người Việt Nam gặp nạn trên biển. Cho nên ở chừng mực nào đó thì đó là các biện pháp xây dựng lòng tin.”

Biết mình biết người


Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng. AFP
Mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc còn thể hiện qua việc đào tạo sỹ quan mà như nhận định của trung tướng Nguyễn Chí Vịnh là để góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng đất nước. Việt Nam hiện cũng gửi sỹ quan sang học tại một số các nước khác như Mỹ, Úc và Nga. Đây cũng được coi là một cách mà các nước thực hiện để gây ảnh hưởng lên nhau theo lời của giáo sư Carl Thayer:

“Học viện quốc phòng nước nào cũng muốn nhận học viên nước ngoài vì họ muốn gây ảnh hưởng của mình lên nước gửi học viên. Trung Quốc cũng vậy. Ngoài ra thì họ cũng muốn biết phía Việt Nam nghĩ gì cho nên đây được coi là một biện pháp ngoại giao trong quốc phòng và quan trọng với cả hai nước. Học viên Việt Nam qua Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng lên Trung Quốc, hiểu thêm về Trung Quốc, đổi lại phía Trung Quốc cũng muốn gây ảnh hưởng khi những học viên này về nước và mang theo về các quan điểm của Trung Quốc.”
Ngoài ra thì họ cũng muốn biết phía Việt Nam nghĩ gì cho nên đâyđược coi là một biện pháp ngoại giao trong quốc phòng và quan trọng với cả hai nước.
GS Carl Thayer
Hợp tác quốc phòng hai nước cũng thể hiện qua việc mua bán vũ khí. Cho đến giờ Nga và Ukraina là những nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam nhưng Trung Quốc cũng đã và đang bắt đầu tiếp cận bán vũ khí cho Việt Nam. Tháng 8 năm ngoái Tổng giám đốc tập đoàn Norinco chuyên sản xuất vũ khí và các sản phẩm quốc phòng của Trung Quốc đã đến thăm Việt Nam để bàn thảo về việc hợp tác về công nghiệp quốc phòng giữa hai nước. Báo chí Việt Nam nhận định có vẻ đây là một chuyến thăm dò của phía Trung Quốc với ý muốn hợp tác để bán các loại sản phẩm quốc phòng cho Việt Nam.
Đánh giá về tiềm năng phát triển hợp tác quốc phòng hai nước trong thời gian tới, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói rằng hợp tác quốc phòng giữa hai nước được tăng cường do xuất phát từ nhu cầu giải quyết những bất đồng, khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quốc phòng phải đảm bảo cho bất đồng mà không xung đột, mâu thuẫn nhưng không trở thành điểm nóng. Theo tinh thần này, thứ trưởng quốc phòng Việt nam nhận định hợp tác quốc phòng hai nước sẽ cần tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Còn theo cái nhìn của chuyên gia quốc phòng quốc tế Carl Thayer thì hợp tác này chính là cơ hội học hỏi của quân đội hai nước ngay cả khi có tranh chấp vì không có nước nào muốn mình ở thế bị che khuất, không biết phía đối phương nghĩ gì, làm gì.

Không có nhận xét nào: