Pages

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Thái Văn Dung và Nghề Điệp Viên

Hồng Liên


Thái Văn Dung sinh ngày 3/6/1988 tại Xóm 4 xã Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ an. Dung sinh ra ở một làng công giáo nhưng bị bao bọc và quan hệ anh em đan xen với những làng cách mạng nòi bên cạnh, trong đó có nhiều người là điệp viên kỳ cựu hoặc tướng lĩnh an ninh.
Dung mới đến Hà Nội đầu năm 2011. Cuộc đời học vấn và hoạt động trước đó mơ hồ.
Dung đi tham dự Đại Hội Kỳ 6 do Mạng lưới tuổi trẻ Việt Nam Lên Đường tổ chức. Mạng lưới được cho là một tổ chức ngoại vi của Đảng Việt Tân. Điều đó cho phép dự đoán rằng những người tổ chức biết rõ về Dung nếu Dung là người của Việt Tân.
Trong đại hội đó, người phụ trách truyền thông của Đại Hội công bố Dung là Công an và trục xuất ra khỏi đại hội. Sau khi về nước được 10 ngày thì Dung cũng bị bắt. Công an kết tội Dung là “Tham gia tổ chức phản động Việt Tân”, vi phạm Điều 79 Bộ Luật Hình sự, hiện bị giam tại trại B14 – Bộ Công An .
Có tin cho rằng việc bắt Dung là một ý đồ của Việt Tân sau khi một số thành viên khác của mình bị bắt. Việt Tân đã “làm công tác tư tưởng với cậu thanh niên can trường và lì đòn Thái Văn Dung ở Phillipine”. Dung chấp nhận ngồi tù để hiểu hơn về Công An cũng như những người đã bị bắt trước đó.
Đó thực sự là điều mà bất cứ tổ chức chống cộng nào cũng cần, chấp nhận đi vào tù cùng anh em đã bị bắt để biết được toàn bộ câu chuyện, thậm chí phát triển chi bộ ngay trong nhà tù. Không có cách nào công bố danh tánh và trục xuất Dung tốt hơn bằng việc gọi anh là “Công An”.
Nhưng đó cũng là một cách mà những điệp viên Cộng sản thường dùng. Khi có dấu hiệu bị nghi ngờ, họ chấp nhận đi xa hơn, chịu giam giữ trong tù nhiều tháng, hoặc nhiều năm chỉ để cài cắm người của mình vào một tổ chức khác.
Một linh mục ở Thái Hà nói “Lần bắt này kiểu gì mà chẳng có một hai người của an ninh. Nhưng ta vẫn phải hăng say cầu nguyện cho họ”.
Nếu Dung là Việt Tân thì nhiệm vụ của Công An lúc này là khuất phục về tư tưởng và tiếp tục sử dụng Dung. Họ có thể cho Thái Văn Dung ra sớm hoặc tiếp tục ngồi tù để lung lạc các anh em khác theo ý đồ của công an.
Nếu Dung là Công An thì Việt Tân có thể đã thắng ở ĐH6 nhưng chắc chắn sẽ bị thiệt hại nhiều khi bị giam cùng anh em vì không ai có thông tin gì về việc mà VT công bố “Dung là Công An”
Cuộc chiến này rất gay go vì cần biết khả năng của nhau đến đâu. Muốn thả hoặc bắt Dung thì công an cần biết Dung đã đi những nước nào và gặp những ai trong khi dữ kiện ở cục Xuất Nhập Cảnh chỉ ghi nhận việc Dung “ra vào” Việt Nam.
Có thể Dung đã đi xa hơn khỏi biên giới và đến nhiều hơn một số nước mà Công An không biết. Điều đó phản ánh trong hộ chiếu khi ra vào nước đó nhưng không có ở dữ liệu Xuất Nhập cảnh của Việt Nam. Ví dụ: Công an chỉ biết Dung đi qua cửa khẩu đến Cămuchia hoặc Lào nhưng không biết từ Campuchia Dung đã đi thêm có thể đến 20 nước khác trừ phi có hộ chiếu của Dung trong tay.
Do đó trước khi Dung bị bắt Công An đã cử người về quê Dung giả làm bạn bè gặp gia đình “tìm hộ chiếu của Dung” Mới đây, công an gửi giấy thông báo cho Gia đình Dung là “cố gắng tìm kiếm” và nộp lại hộ chiếu của Dung cho Công An, đồng thời gia đình viết một đơn bảo lãnh thì Dung sẽ được tha.
Gia đình không biết hộ chiếu Dung ở đâu !
Nếu là Cộng sản, công an có thể cấp nhiều hộ chiếu cho Dung. Nếu là Việt Tân, Dung cũng có thể có nhiều hơn 1 hộ chiếu. Người viết đã chứng kiến một nhân viên an ninh mở cặp ra lấy 6 hộ chiếu với 6 tên và hình ảnh khác nhau. Và cũng đã từng gặp những đảng viên Việt Tân xúng xính đến 3 hộ chiếu trong tay.
Lịch sử điệp viên thế giới đã từng ghi nhận rất nhiều “điệp viên đa mang”. Trong một thế giới ngày càng độc lập nhưng phụ thuộc lẫn nhau. Hoạt động đan xen giữa các vai trò để chia sẻ và cân bằng lợi ích trong từng giai đoạn là xu hướng bắt buộc của nghề điệp viên.
Nếu ai còn nhớ tiểu thuyết Ông Cố vấn của Hữu Mai viết về Vũ Ngọc Nhạ.
Ông bị Chính quyền Việt Nam Cộng hòa kết tội làm gián điệp cho Cộng sản bắc Việt. Đó là điều dễ làm vì Chính quyền Miền nam không thể “xử án” một người có quan hệ với CIA và thường xuyên đưa tin cho Vatican.
Những công bố mới của Hoa Kỳ cho thấy ông ấy quan hệ thân thiết với những điệp viên Hoa Kỳ và đã đóng góp rất nhiều tin quan trọng cho CIA.
Tài liệu tham khảo đã công bố của Vatican cũng thấp thoáng vai trò đưa tin của “Ông Cố Vấn” Vũ Ngọc Nhạ.
Người viết bài này đã từng gặp và thăm Vũ Ngọc Nhạ ở cạnh Nhà thờ Nam Đồng nhiều lần. Khát khao cuối đời của ông ấy là Vatican mở thêm tư liệu để ai đó có thể viết một tiểu thuyết về chính Ông là một điệp viên cho Vatican trước khi Hoa Kỳ công bố rằng Ông ấy đã đóng góp nhiều cho CIA, giống như Hữu Mai đã mông má các dữ liệu bề ngoài của một vụ xét xử năm 1969 và viết nên một tác phẩm lớn trong đó xây dựng ông là người của Cộng sản.
Thế giới hiện đại hôm nay cũng không thiếu những điều huyền bí.
Tên Dung cũng gợi cho ta nhiều về một “CAO MINH DUNG” ngay trong Tòa Thánh. Những ẩn số liên quan đến Đức Ông này chưa bao giờ thỏa mãn trí tò mò của người Công giáo Việt Nam.
Dung cũng là tên của một điệp viên CIA – ĐẶNG MỸ DUNG – mà cuốn sách “Ngàn giọt lệ rơi” thực tế chỉ mô tả được một phần công việc của Chị.
Dù trẻ, nhưng nếu không bắt đầu từ rất sớm thì làm sao lên cao.
Thiên hạ đồn đoán có người của Việt Tân trong số 175 Uỷ viên Trung Ương đảng CS. Lời đồn cũng mạnh mẽ không kém rằng trong chỉ có 17 Uỷ viên TW Việt Tân nhưng dễ có nhiều hơn một người của Cộng sản. Vấn đề là vẫn sử dụng nhau trong khi làm việc với nhau.
Lằn ranh quốc cộng mà một số kẻ chống cộng lưu vong đang cố tình đưa ra thể hiện một sự thiểu năng trí tuệ. Họ cố tình quên đi một sự thật là ranh giới giữa một Đảng viên Cộng Hòa và Một đảng viên Dân Chủ ở Mỹ không hề sâu sắc.
Về mặt nguyên lý, dù khác biệt bao nhiêu thì một Đảng Cộng sản đang “đổi mới toàn diện” và một Đảng Việt Tân “liên tục canh tân” cũng có lúc gặp nhau và chấp nhận được với nhau về một số vấn đề mang tính lâm thời.
Những điều chúng ta biết qua các phát ngôn chỉ phản ánh một phần rất nhỏ của sự thật và suy đoán chỉ là suy đoán.
Nhiều “sự thật thực” vẫn mãi mãi thuộc về lịch sử.
Cuối cùng thì, dù trong vai nào, Thái Văn Dung vẫn đang cầu nguyện và đọc cuốn kinh thánh gia đình mới gửi vào trại B14 thứ 7 vừa qua. Vì Anh ấy là một Thanh Niên Công Giáo.

Không có nhận xét nào: