Pages

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Sợ


Thái Phục Nhĩ

- ...Nó không tên, nhưng ai nhiễm nó mà nghe gọi ‘phản động’ và có tiếng chân công an cầm đùi cui xồng xộc tới thì giật mình kinh hãi. Nó đánh úp lòng dũng cảm của người tù tay nắm chấn song sắt và mắt mòn mỏi ngóng bầu trời bên ngoài. Nó kìm kẹp vị luật sư ra công đường, không phải để làm rõ sự thật và đấu trí, mà để nghe phán xét của những quan tòa mặt mày hung tợn, bao quanh là những đao phủ lăm lăm khí giới. Nó chui cả vào trong giấc ngủ của vị tu sĩ già nằm mơ thấy mình đang cố lục lọi trí nhớ coi có phạm sắc giới mà quên liệng thứ ấy vô sọt rác không, và khi tỉnh giấc chưa kịp hoàn hồn thì kinh hoàng nghe tin người đồng liêu của mình vừa mới mãn hạn tội trốn thuế xong thì bị chặt đứt tay...

*
Sợ phát ra khi mình thấy lờ mờ có một mối đe dọa sẽ làm tổn thương thân thể, uy tín, hay tính mạng mình. Lúc chúng ta còn ăn lông ở lổ, đứng trước một bầy sói có nanh nhọn thì sợ bắt đầu sinh ra và truyền trong mạch máu chúng ta cho tới ngày nay. Có những nỗi sợ rất riêng tư, như sợ ma đuổi, sợ rắn cắn, sợ xấu trai quá không cưới được vợ.
Cũng có những nỗi sợ mang tính cách cộng đồng. Ở Mĩ, thanh thiếu niên rất sợ khủng bố tấn công và du đãng hành hung. Là vì nước đó hay bị mấy nhóm người bất mãn hù dọa. Bị dọa đã sợ, mà cái gì xa lạ với cách sống thông thường mình cũng sợ và chẳng tin cậy. Cũng ở Mĩ, người ta nghiên cứu thấy là người da đen ở trong cộng đồng da trắng sợ bị khinh bỉ, bị làm nhục hơn là người da đen ở trong cộng đồng da đen (i, cước chú).

Sợ thì tránh, gặp thì chạy, người ta nói chạy như ma đuổi, là vì sợ quá. Người Đông Đức vượt Hàng Rào Sắt chạy sang Tây Đức trước 1989, hay người Bắc Hàn trốn sang Nam Hàn, người Cu Ba vượt biên qua Mĩ ngày nay, thà chết còn hơn ở lại, cũng đều là sợ kẻ lạ hết. Người Việt chúng ta tiếng là can đảm, nhưng mà cũng sợ mấy lần, người miền Bắc bỏ nhà vô Nam sau 1954, hay người miền Nam bỏ nước li tán sau 1975 đều là vì sợ hết. Ngày nay thanh niên Việt Nam sợ nhất là thất nghiệp, nhì là chạy giấy tờ ở cửa công, và thứ ba là sợ công an làm việc.

Chúng tôi hồi nhỏ đi học rất sợ bị dò bài, mặc dù học đâu quá tệ. Có mấy môn chúng tôi ghét cay ghét đắng, không chịu học, cứ tới tiết đó là tim đập mạnh, hơi thở gấp, mắt lảng đi để tránh cái gọng kiếng cú vọ của ông thầy bà cô, có lúc tránh được, có lúc không, lên đứng trước đông đảo bạn bè mà ú ớ, rồi được trả cho về chỗ ngồi, ăn zero. Đến nỗi bây giờ lớn lên nhiều lúc còn nằm mơ mình sắp đến ngày thi mà toát mồ hôi hột. Cái tai hại của nền giáo dục tuyên truyền cộng sản đối với tâm trí non nớt của trẻ em chẳng khác gì khủng bố, ít cha mẹ nhận thấy như vậy. Nếu so sánh thiếu niên Việt sợ thi cử như thiếu niên Mĩ sợ khủng bố tấn công thì có ngoa không?
Có người sợ lấy chồng không đẻ được con. Có người mới tốt nghiệp, sợ không ai dùng sẽ thất nghiệp dài dài. Kẻ bắt trộm chó nhà người ta, hoặc thụt két của hãng thì sợ bị phát giác. Kẻ trăng hoa sợ vợ biết mình ăn nằm với người ta. Người giàu quá sợ bọn du đãng rình rập. Có nhiều bà sợ chồng mình ăn của đút lót quá nhiều bị người ta oán hận, rồi chết phải chịu quả báo.
Có những nỗi sợ vô lí, do thói hay lo mà ra, như sợ ma, sợ không tìm được ý trung nhân. Sợ loại đó có thể hóa giải dễ dàng. Thiếu nữ sợ bóng đêm, nhưng mà có tình nhân thì chỗ nào cũng tới được. Sợ rắn, sợ chó dữ thì tránh nó ra. Còn nếu như bạn lo rằng tương lai sẽ xấu đi mà không tránh khỏi được, thì rán lường trước tình huống xấu nhất rồi chấp nhận nó. Muốn hay không thì cũng đâu tránh được, việc gì phải mất ăn mất ngủ, đã sợ hãi rồi còn thêm khổ tâm nữa. Hãy bình tĩnh suy xét, nếu nỗi sợ của anh vô căn cứ thì anh sẽ hết sợ ngay. Còn ông kia, nếu ông đứng sau tội ác đó, làm người ta điêu đứng, rồi ông sinh sợ thì không Trời Phật nào cứu được đâu. Rán ăn năn, chờ quả báo, rồi quyết tâm đừng làm ác nữa. Chớ nhủ mình chẳng sao đâu, có ai biết đâu. Muốn người ta đừng biết trừ phi mình đừng làm. Đừng coi thường điều ác nhỏ, nó tích lâu ngày cũng sẽ thành họa lớn (ii).
Nỗi kinh hoàng của nòi Việt thời cộng sản

Sợ có tác hại ghê ghớm, chẳng kém gì lòng hận thù. Nó làm hao mòn sức khỏe và thân thể, giết chết lí tưởng cao thượng, tiêu hủy sự nghiệp, làm cho người ta thành một con thú, một mồi lửa. Hận thù nó hiển hiện, chứ sợ thì mông lung lắm. Sợ không hình không dáng, ai bị tiêm cho sợ rồi thì nhân cách từ từ suy, người cao sang thành kẻ hèn hạ, kẻ hiên ngang thành kẻ nịnh bợ, kẻ bình dân thành kẻ ăn mày, nghệ sĩ thành những kẻ xu nịnh (iii).

Sợ riêng tư thì ai sợ nấy chịu. Sợ cộng đồng mới nguy, vì cả cộng đồng bị một tâm thức sợ hãi u ám trùm kín. Cộng đồng nào bị một nỗi sợ uy hiếp rồi thì sẽ có nhiều người quanh co, bề ngoài thì mềm mỏng, hài lòng mọi thứ, như là khiêm tốn và giản dị lắm, nhưng kì thực bên trong đã mất hết bản lĩnh, thành tiểu nhân rồi, không dám nói năng nữa. Những nỗi sợ như vậy làm tê liệt cả cộng đồng qua vài thế hệ mà không cách gì thoát ra được. Ai cũng sợ, cũng né tránh, không ai nhận là mình sợ.
Dân Việt ngày nay cũng bị nhiễm một nỗi sợ như vậy. Nó đòi hỏi lắm, chàng sinh viên cuối tuần tưởng là rảnh để đọc sách thì nó thúc phải lê bước tới giảng đường nghe giảng về ‘diễn biến hòa bình’. Nó phủ bóng những buổi họp kiểm điểm mà anh thầy kí không dám nói nhiều, sợ phát ngôn và tư tưởng của mình tuần trước sẽ bị lôi ra phê phán. Nó len lỏi vào tư tưởng của sử gia lúc họ gom tài liệu lịch sử Việt Nam cận đại, nó rất thích ở chung với người nào cầm bút toan viết bài bình luận về tình trạng xã hội. Nó đồng hành với bác tài xế trên những đoạn đường vắng, làm bác nín thở như ngày xưa thương khách đề phòng đạo tặc chận đòi tiền. Nó bàng bạc trên không trung khi người đàn bà sắp sinh con và người cha không biết kiếm gì cho nó ăn để khỏi bị nhiễm độc. Nó làm nhà buôn cuống quít muốn đóng cửa hàng khi thấy toán thu thuế đang đi tới. Nó thấp thoáng sau ngọn cây lúc người nông dân đứng chống cuốc nghe trên đài phát thanh tin tức quy hoạch phát triển nông thôn. Nó làm kẻ đang yêu thót tim, nhớ tới ngày xưa người yêu của mình trốn bạn đi với gã tình nhân, khi nghe tin bộ ngoại giao Hà Nội cử người qua Trung Quốc kí thỏa thuận về đất đai của tổ tiên để lại. Nó không tên, nhưng ai nhiễm nó mà nghe gọi ‘phản động’ và có tiếng chân công an cầm đùi cui xồng xộc tới thì giật mình kinh hãi. Nó đánh úp lòng dũng cảm của người tù tay nắm chấn song sắt và mắt mòn mỏi ngóng bầu trời bên ngoài. Nó kìm kẹp vị luật sư ra công đường, không phải để làm rõ sự thật và đấu trí, mà để nghe phán xét của những quan tòa mặt mày hung tợn, bao quanh là những đao phủ lăm lăm khí giới. Nó chui cả vào trong giấc ngủ của vị tu sĩ già nằm mơ thấy mình đang cố lục lọi trí nhớ coi có phạm sắc giới mà quên liệng thứ ấy vô sọt rác không, và khi tỉnh giấc chưa kịp hoàn hồn thì kinh hoàng nghe tin người đồng liêu của mình vừa mới mãn hạn tội trốn thuế xong thì bị chặt đứt tay. Nỗi sợ ấy làm cho người ta thấy bị loại trừ, muốn với tay tới người bên cạnh cũng cô độc như mình mà bất lực, không đeo gông xiềng, không say rượu mà lúc nào cũng mơ màng, không biết mình đang ở tù trong mơ hay là đang mơ trong tù nữa.

Đó là thường dân, còn có hai hạng người bị nhiễm nặng hơn nữa.

Hạng thứ nhất được trang bị cho một ít quyền lực và vũ khí, và được dạy cho rằng xung quanh có nhiều thù địch lắm. Nhiễm sợ một cách vi tế mà không kiểm soát được, hạng này hóa hư hỏng và liều mạng, tin rằng làm việc chỉ nhọc thân, chẳng bằng dùng quyền lực vừa lên mặt vừa kiếm sống. Hạng này hữu dũng vô mưu, bị nhồi sọ mất hết phán đoán, làm tay sai đắc lực cho kẻ khác lợi dụng mà tưởng mình làm việc nghĩa, bắt dân lành phục tùng lại mình, và lúc làm việc thì mưu mô, vô liêm sỉ và tráo trở cốt cho xong việc. Nhiều kẻ trong bọn này ngu si tin tưởng rằng đạp vào mặt một người yếu thế là một vinh dự vẻ vang.

Bên cạnh bọn trâu ngựa đần độn này là một bọn nhiều thủ đoạn và hay thuyết giáo. Hạng này nói dài, nói dai, nói dở những thú cũ mèm mà bắt học trò phải nghe. Hạng này tin rằng mình nắm giữ trí tuệ của thiên hạ và nhiều mẫu bằng Ph.D của các học viện Âu Mĩ, khi cần thì in ra giấy cứng phát cho nhau để phong chức tước (iv); có một đặc điểm nhận biết hạng này là nó rất thích bịt miệng người khác và nói thay quốc dân. Ai đường đời người Việt ra ngoài chơi mà nó lại nói dân Việt không có nhu cầu dân chủ, dân Việt không cần có tự do ngôn luận vì dân Việt không biết viết và độc giả Việt không có giáo dục. Hạng này rất thích dạy trẻ con, tìm đủ mọi cách để truyền giáo lí của mình cho nó, tưởng hễ biết tuyên truyền thì lớn lên nói gì cũng nghe và trung thành, sẵn sàng chết thay mình khi có biến cố. Hạng này đi xa hơn nữa, là biến chính kiến của mình thành một tôn giáo, biến lãnh tụ thành một giáo chủ bất diệt trong lòng quần chúng, và cứ mỗi tháng là viết một vài dòng kinh rẻ tiền dán lên vải đỏ treo khắp phố phường hòng giữ gìn đạo đức và văn minh của xã hội.

Hai hạng này bọc lót cho nhau, coi tình đồng chí đẹp hơn hết thảy tình nghĩa máu mủ, vợ chồng. Ai chống lại nó chắc chắn kẻ đó sai, và nó sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, từ kiểm soát tư tưởng, lời nói, vạch bỏ sách vở, bóp méo lịch sử, thậm chí vu khống và bạo hành, để tiêu diệt cho kì được.

Có họa sĩ nào vẽ được cái mặt đằng sau nỗi sợ ấy không? Chúng tôi thấy nó hao hao Big Brother trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell quá.
Sợ thì được gì, không sợ thì mất gì?
Chúng ta phải làm phép tính ấy, nhưng không phải như người Mĩ để coi đồng dollar xanh lời lỗ bao nhiêu mà để rọi ánh sáng vào sợ hãi của mình.
Người nào bị ám ảnh một nỗi sợ triền miên thì thân tâm sẽ hao mòn, tiều tụy, nhẹ thì ngạt thở, nghẽn máu, mà nặng thì sinh ra hoang tưởng như ma nhập, gặp ai cũng cho là kẻ thù, thậm chí tâm thần điên đảo và mất hết tự do tư tưởng. Cả xã hội khiếp nhược và đồng lõa né tránh sự khiếp nhược ấy thì cả quốc gia sẽ băng hoại. Kinh tế, chính trị thành trò ép phe và băng đảng rồi, mà giáo dục, văn chương, nghệ thuật cũng a dua và xu nịnh không kém. Những vấn đề trọng đại liên quan tới sự sống còn của một dân tộc thì do ngoại bang và một bè lũ chư hầu quyết: chính ngoại bang chỉ định người cai trị dân Việt. Tất nhiên nhà cầm quyền ấy không phải là tinh hoa của đất nước, chỉ là một phường khiếp nhược, cố liếm cho tới kì cùng những giọt mật đọng trên đầu lưỡi dao.

Chúng ta sẽ về đâu khi tầng lớp gọi là trí thức, nghệ sĩ mất hết chính kiến và cá tính, lớp trẻ lấy yên thân làm lí tưởng và ngại mạo hiểm, tệ hơn nữa là chỉ thích chén cha chén chú, thuộc tên cầu thủ hơn thuộc tên tổ tiên, sính xe ngoại, áo quần đẹp và thích khoe đường cong; dân lao động sống lay lắt từng ngày với đồng tiền còm cỏi trong khi của cải quốc gia và quyền sinh sát đồng bào rơi vào tay những kẻ tham lam và hèn mạt hạng? Chúng ta sẽ về đâu ai khi bậc thức giả bị đẩy ra rìa, phát kiến của họ không có chỗ dùng, và nếu họ có gióng tiếng nói cảnh tỉnh thì bị tù tội? Chúng ta còn lại gì sau khi tài nguyên và đất đai quốc gia có hạn lại đem bán rẻ cho ngoại bang trong khi mình phải nhập những nhu yếu cơ bản? Chúng ta sống với ai khi hạng an tuấn của dân tộc phải lưu lạc ở nước người và chỉ làm rạng rỡ tổ tiên và văn hóa Việt ở những phương trời xa đó? Tại sao con cái của tổ tiên, những người cùng dòng máu của chúng ta bị xua đuổi, để chỉ toàn “trông thấy ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, [...] đem thân dê chó mà bắt nạt tổ phụ”? Cảnh ấy Trần Hưng Đạo đã cảnh cáo gần ngàn năm mà nay lại tái diễn. Anh, chúng tôi, con cái chúng ta, đã đánh mất quyền làm chủ ấy bao giờ? Mọi sự đảo lộn ấy bắt đầu từ khi chúng ta để nỗi sợ ấy làm chủ tư tưởng mình, biến mình thành kẻ mất hết tự do.
Chúng ta sợ bị bắt bớ, sợ bị tù, nhưng sống mà không được nói, không được phô bày ý kiến, không dám thi hành sáng kiến của mình thì có khác gì bị tù tinh thần hay không. Chúng ta sợ bị hành hạ, bị tra tấn, nhưng chính cái tâm đầy dẫy lo sợ và mưu toan, phải quanh co, luồn cúi khi muốn được việc chính đáng chẳng phải là què quặt và bệnh hoạn đó rồi sao? Điều chính đáng mình làm, mà phải xin xỏ, đánh mất tư cách và bản lĩnh của mình trước những kẻ thích thích nịnh chẳng phải là tệ hơn chặt đứt tay đứt chân nữa đó sao? Nỗi sợ đã thành hiện thật. Sợ bị gông cùm thân thể, thì chính kẻ làm chủ thân thể ấy là tư tưởng và tâm hồn đã bị trói; sợ dao gậy làm tổn thương tay chân, nhưng chính tài năng và tư cách đã bị dập nát.
Chúng ta đã được gì và sẽ mất gì, bạn phải cân nhắc sự được mất ấy cho thật kĩ. Ông bà chúng ta ở miền Bắc đã uổng phí cả cuộc đời, cha mẹ chúng ta ở miền Nam qua ba bốn chục năm, hơn nửa cuộc đời, đã mất nhiều hơn được. Nếu tiếp tục đồng lõa với nỗi sợ của mình, chúng ta sẽ để cho con cái mình một di sản đáng tủi nhục, đồng trang lứa của nó khắp bốn phương sẽ hợp tác với nó bằng những chương trình viện trợ, dự án phát triển và nhìn nó bằng con mắt khinh bỉ. Đành rằng có người sẽ cãi rằng bây giờ tốt hơn ba chục năm trước rất nhiều, nhưng mà nói vậy chỉ để an ủi thôi. Làm người tự do, sống đầy đủ nhân phẩm cũng ví như làm con vua, mình có quyền chia gia tài và làm chủ vương quốc như những người con khác, sao lại chấp nhận thân phận làm khách và bảo vỗ cái bụng cho no là được rồi? Hoàn cảnh của những kẻ sợ hãi như vậy liệu có còn chỗ nào tệ hơn nữa không? Được thì được lớp da hời hợt, mất thì mất toàn tinh ba. Chúng ta không cần phải lẩn tránh chỉ để có mặt trên đời như thế, chúng ta có thể sống đúng nhân phẩm hơn, phong phú của cải và tinh thần hơn. Chúng tôi chắc rằng xã hội mà tự do, dân chủ, có trật tự thì chúng ta sẽ làm ra nhiều của cải và tiền bạc nhiều gấp bội. Phải biết bỏ những mối lợi nhỏ mới mong có được tài sản lớn.
Có tài và có cơ hội để phát triển tài năng, nó kích thích mình hướng tới cái đẹp, cái cao thượng lắm chứ. Đất nước của chúng ta phải là nơi chúng ta thi thố tài năng trước hết. Chúng ta được nuôi dưỡng bằng máu của nòi Việt, bằng dưỡng chất của đất và nước của tổ tiên, chúng ta nói tiếng Việt, cá tính, tài năng chúng ta nó có mặt tất cả tổ tiên và đất trời này, tại sao chúng ta phải luân lạc qua Âu Mĩ để học, để có chỗ dùng? Cá tính của chúng ta không phải diệt đi để thay bằng tinh thần cộng sản không sinh khí như thế. Con tôi sinh ra là người tự do, tuổi thơ của nó không phải nuốt những lí thuyết mà không có quyền chất vấn nó đúng hay sai, hợp hay không hợp thời. Tôi biết cầm bút là một việc cao quý, để nói tiếng nói tự do của mình, tôi thà chết chứ nhất định không làm tay nịnh bút chỉ viết những điều người ta sai mình; cầm bút mà chỉ gải được lớp da thôi, không đụng tới được cốt tủy của tư tưởng mình, thà quẳng bút về làm vườn còn hơn. Bạn không cần phải làm một công chức a dua hay một nịnh thần thì mới thăng chức, bạn có bản lĩnh và cần gì phải làm như thế. Anh kia không cần phải làm một người công an bị dân mình oán ghét, anh hoàn toàn có thể làm một cảnh sát thân thiện, dễ thương mà thiếu nữ muốn tới chụp hình kỉ niệm với mình.
Ông có tài kinh doanh, thì làm ăn lương thượng, đóng thuế là đủ, cần gì phải mua giấy phép, cần gì phải luồn cúi bợ đỡ người ta mới khuyếch trương được sản nghiệp. Anh họ Trần, họ Nguyễn và tin dòng máu và khí phách của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ đang chảy trong huyết quản mình, anh có thể làm một quân nhân hiên ngang, được lòng quý trọng và xứng công nuôi dưỡng của quốc dân. Có rất nhiều người tài và có lương tri, tại sao anh chấp nhận cho những kẻ bất tài, hèn nhát và tàn bạo cai trị mình, làm tay sai cho chúng và bị quốc dân và lịch sử lưu tên ô nhục.

Anh muốn con mình sau này làm chính khách, thậm chí muốn tranh cử tổng thống điều khiển quốc sự, vì anh có chí khí, có giáo dục, đã nghiên cứu tư tưởng của Plato, Monstequieu, phương pháp của Franklin, Trần Nhân Tông, và muốn truyền chí khí ấy cho con, sao không chung tay để phế một chính thể hủ bại mà chính ngay cha đẻ ra nó đã ruồng bỏ từ lâu? Chúng ta là bình dân, chẳng ham danh vọng và địa vị, chỉ thích yên ổn làm ăn đàng hoàng và nuôi con cái, nhưng nếu người ta ăn cướp, dối trá, đánh và giết người từng ngày như thế mà mình im lặng thì lương tri, liêm sỉ chúng ta để đâu mà dám vỗ ngực cho mình là người đàng hoàng, chính trực.

Muốn có một xã hội dân quyền, lập lại trật tự cho mọi giá trị, thì mỗi người dân Việt, bất luận là ở bất kì địa vị nào, cũng cần phải góp tay vào phong trao đấu tranh hòa bình này. Có khó khăn gì đâu, thay vì mua vui ở quán nhậu, quán karaoke chúng ta bỏ chút thì giờ để phát biểu chính kiến của mình trên các diễn đàn Dân Làm Báo, BBC, đưa ra sáng kiến cho các nhóm biểu tình đỡ bị đàn áp, khen hay chê những sáng kiến và bài viết trên đó, lập một blog gom những bài viết có giá trị văn chương và tư tưởng cất lại, một gửi một bông hoa, viết một bức thư an ủi cho các nạn nhân của bạo quyền, người nào can đảm hơn thì có thể tẩy chay những buổi tuyên truyền của chính quyền, khước từ những đòi hỏi vô lí ở cửa công, viết những bài cổ súy dân chủ. Thôi thì muôn vạn cách, chỉ cần bớt thì giờ mua vui một chút là được thôi. Tiếng nói mình ở nơi thôn xóm không ai nghe, nhưng mà nhiều người đồng thanh thì thành tiếng sủa của con chó con thành tiếng gầm sư tử, bọn sài lang phải run sợ.

Sợ là mất nhân bản và mất trách nhiệm
Đừng trách kẻ độc tài hoàn toàn, họ xuẩn động như thế cũng do ngu si và sợ hãi mà thôi, chúng ta cũng phải chịu một phần trách nhiệm cho cái khốn nạn này của mình. Một công dân thôi của nước Mĩ bị Bắc Hàn ghép án đày chung thân mà đích thân cựu tổng thống ông Bill Clinton phải qua thương lượng để giải cứu cho họ. Hàng trăm, đến nay thì chắc là đã vài ngàn, ngư phủ Việt bị cướp, bị bắt ngay trên biển Việt Nam thì chính quyền cộng sản im thin thít. Ở nước người mới bị tố cáo là có ý đồ khiêu dâm thôi đã bị áp lực phải từ chức (v), mà những tên quan cộng sản thú tính cưỡng hiếp học trò ở Hà Giang thì lại ngang nhiên chạy tội như vậy. Phẩm giá của hàng trăm ngư phủ Việt, của nhiều em gái Việt chỉ đáng giá vài hàng tin tức trên blogspot và vài tiếng phản đối lấy lệ của bà Phương Nga thôi sao? Mấy cái hội Phụ Nữ, hội Nông Dân, Hội Nghề Cá, Đoàn Thanh Niên trốn ở đâu hết? Ông giáo Howard Davies của Trường Kinh Tế London vì dính líu một học vụ vài trăm ngàn bảng Anh mà từ chức để giữ thanh danh cho mình và cho đồng nghiệp mình, còn một tập đoàn đem hai năm lương thực của nông dân làm ra đổ xuống cống mà không bị truy tội ác.

Sợ là phản ứng đầu tiên trước những tội ác tày trời, nhưng nếu bàng quan thì rồi kẻ sợ cũng sẽ chung kết cục như nạn nhân kia mà thôi. Cứ kéo dài tình trạng mất tỉnh thức đó thì sớm muộn gì tất cả chúng ta sẽ làm mồi ngon cho phường bạo ngược kia, và khốn thay cho chúng ta khi có nhiều người chịu đựng không nổi ách nạn này mà đầu hàng cam chịu làm tôi tớ cho chúng.
Chúng ta phải xét lại lương tri của mình. Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Phillipines những người hàng xóm gần ấy nhìn vào họ sẽ hỏi dân Việt tinh thần nhân bản ở đâu, trách nhiệm ở đâu, khoan nói chi tới tình nghĩa đồng bào và truyền thống anh hùng của tổ tiên. Có thể lấy sợ hãi làm bình phong cho lối sống yên thân, nhưng khó mà biện minh được sự vô trách nhiệm của chúng ta. Người ta đã có dự định dựng tượng Thần Trách Nhiệm bên bờ Tây nước Mĩ đối với tượng Thần Tự Do bên bờ Đông, để răn người ta có tự do thì phải có trách nhiệm (vi). Chúng ta đã mất tự do, không thể đồng lõa sợ hãi và lẩn tránh mà gọi là có trách nhiệm với tổ tiên và con cháu được.

Chính quyền cộng sản vô luân đã đành, mà quốc dân cũng sợ quá, nỗi sợ thâm căn cố đế biến tướng thành sự lẩn tránh mà Gandhi phải thốt lên “Tôi ngạc nhiên không phải là kẻ ác làm ác, mà là sự bàng quan của người lành trước tội ác ấy.” Quốc dân sao không đoàn kết lại để hành động; để cho một vài nhóm đấu tranh gióng lên tiếng nói lương tri, vài vị thủ lĩnh hi sinh thì đâu có đủ. Một người, hai người gào thét không đủ cho bọn điếc ấy nghe đâu, nhưng hai người, hai nhà, rồi hai xóm cứ thế cầm tay nhau thì không ác ma nào khuất phục được (vii). Một vài ngọn sóng chỉ làm chao đảo con thuyền thôi, phải thổi lên một trận cuồng phong thì mới mong lật được nó.

Rọi ánh sáng vào nỗi sợ
Sợ là do vô minh mà ra, điều gì mình đã hiểu rõ thì không còn sợ nữa. Sợi dây mà tưởng là con rắn thì sợ là phải, sợi dây thấy là sợi dây thì sẽ không sợ. Chúng ta sợ vì định giá trị cho đời sống mình thấp quá.
Phẩm chất của đời sống quý giá hơn tuổi thọ rất nhiều, nói nôm na là, câu chuyện giá trị ở chỗ nó có hay không, chứ không phải là nó có dài không. Sống có đẹp không là cốt ở chỗ nó có nghĩa lí gì chứ không phải bằng phương tiện gì. Có được thân người này là rất quý, nhà Phật có chuyện con rùa mù trăm ở biển ngàn năm mới nổi lên một lần, trên mặt biển có một cái bộng cây lềnh bềnh theo sóng gió, con rùa mù ấy chui đầu vào bộng cây còn dễ hơn là một sinh linh thọ thân người nữa. Chúng ta nên tin rằng mình sống đời này là chỉ một lần thôi, không có lần thứ hai đâu, mà nó đâu có dài, chưa kể đau ốm và già lọm khọm nữa. Chỉ chừng đó thôi cũng khiến chúng ta coi lại các giá trị của mình, tôn chỉ của mình. Chúng ta có sứ mệnh gì trong cuộc đời này, có ai làm thay mình được không, mình sẽ để lại di sản gì cho con cháu?

Đứng vào hoàn cảnh phải chọn giữa sợ và không sợ, mỗi người chúng ta hoàn toàn có quyền tự quyết định, và quyết định đó nói lên bản lĩnh và tự do của mình. Nếu ông bảo tôi đang sống đầy đủ như thế này, vui thế này, có gì mà phải sợ thì chúng tôi chúc mừng, ông quả thật may mắn hơn chúng tôi và ông lạc quan quá. Nếu ông thấy bất công, dối trá và tội ác tràn lan mà ông chọn yên thân thì chúng tôi cũng tôn trọng quyết định của ông, mong là ông khi về già sẽ không như con cò già bên bờ ao kiệt nước, than van đời sống nhạt nhẽo, đừng tiếc giá mà ông sinh ở này nọ thì ông đã làm nhiều hơn thế.

Hỡi bạn trẻ, nếu bạn thấy chán ngán đời sống trụy lạc, dối trá, ti tiện, quỵ lụy, cái gì cũng mua bằng tiền, nếu bạn không muốn người ta tàn phá đất mẹ và thôn quê của bạn để làm bãi rác cho nhân loại, nếu bạn không muốn những kẻ kẻ dốt nát và kiêu ngạo cầm quyền sinh sát đồng bào và cai trị bạn, không muốn thấy tài nguyên của đất nước chia riêng cho một nhóm người, và nếu bạn muốn lãnh đạo quốc gia phải là những người anh tuấn, thì bạn hãy chấm dứt nỗi sợ hãi của mình. Có thể bạn sẽ mất nhiều thứ, nhưng biết bỏ những mối lợi nhỏ thì mới có đủ sức và tâm trí gây dựng tài sản lớn. Chưa kinh qua một lần chết đi sống lại, chưa tới nơi tận cùng sâu thẳm của tâm thức, thì sẽ rất khó nhận ra được đường đi tới nơi ý nghĩa cho cuộc đời. Nếu bạn là người Công Giáo thì bạn sẽ hiểu hơn, không chết đi thì không có sống lại.

Người ta có thể tước hết mọi thứ của chúng ta, trừ cái tự do trong tâm thức, cái tự do khiến chúng ta có thể quyết định hành động và tư tưởng của mình. Chúng ta còn chờ gì nữa? Đừng trách mình sinh nhầm thế kỉ; sinh vào quốc gia này trong thời đại này, tất cả đều có nghĩa lí hết. Sứ mệnh của chúng ta nằm ở đó. Đừng sợ, đừng an thân.

Nào, hãy hiên ngang như những người tự do, cùng chúng tôi một lần thành thật xét coi, hôm nay Chủ Nhật chúng ta mất gì và sáng mai Thứ Hai sẽ được gì?



Thái Phục Nhĩ (danlambao)

Không có nhận xét nào: