Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Biển Ðông ngày càng trở nên chật hẹp với VN


Song Chi (Người Việt) - Vào sáng ngày 26 tháng 5, ba chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã xâm nhập sâu vào vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, uy hiếp và cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 (Tập Ðoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam), gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Mức độ nghiêm trọng của sự việc được thể hiện qua việc không chỉ báo chí “lề trái” mà báo chí “lề phải” cũng đồng loạt lên tiếng. Từ Thông Tấn Xã Việt Nam, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietNamNet, VNExpress, Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Ðộng, v.v. Báo chí “lề phải” đã “được phép” gọi thẳng tàu Trung Quốc chứ không còn là “tàu lạ” với giọng điệu phẫn nộ qua những hàng tít như: “Tàu hải giám TQ vi phạm chủ quyền lãnh hải VN” (VNExpress, Tiền Phong), “Tàu Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam” (báo Tuổi Trẻ), “Phản đối Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam” (báo Thanh Niên), “TQ phải bồi thường thiệt hại cho VN” (báo Tiền Phong)...

Báo chí cũng đưa tin “Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã trao công hàm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”

Tác giả Song Chi trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc
Tuy nhiên, một số tờ báo khác là tiếng nói chính thức của nhà nước, đảng, quân đội như website ÐCSVN, website chính phủ, báo Nhân Dân, báo Quân Ðội Nhân Dân, báo Công An Nhân Dân... thì vẫn im lìm. Hoặc đưa tin nhưng sau đó nhanh chóng gỡ xuống!

Báo chí của người Việt ở hải ngoại, các diễn đàn độc lập và trên nhiều trang blog cá nhân đều ngay lập tức có bài.

Một lần nữa, người Việt dù sống ở trong hay ngoài nước, đã luôn luôn chứng tỏ lòng yêu nước mạnh mẽ, tinh thần quật cường. Người Việt, từ xưa đến nay, cũng chưa bao giờ thực sự bị ru ngủ bởi mối quan hệ “4 tốt” “16 chữ vàng” mà cả hai nhà nước Cộng Sản TQ và VN ra sức sơn phết.

Ðây không phải là lần đầu tiên phía TQ có những hành động bắt nạt VN trên vùng biển Ðông. Từ nhiều năm qua, việc các tàu, thuyền của ngư dân VN ra khơi đánh cá bị tàu TQ đánh chìm, tài sản bị cướp, bản thân ngư dân thì bị bắt giữ, đòi tiền chuộc... không còn là chuyện lạ gì nữa.

Ngược lại, tàu TQ liên tục xâm phạm lãnh hải VN thì không gặp phản ứng gì! Báo Thanh Niên trong bài “Phản đối Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam” ngày 27 tháng 5 cho biết: “Trong 10 ngày qua, ngư dân Phú Yên đã phát hiện tàu cá TQ liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để khai thác hải sản. Có những ngày phát hiện trên 200 tàu cá TQ xâm phạm.”

Người VN đã phải chua chát mà nhận ra rằng nhà nước này không đủ sức để bảo vệ nhân dân ngay trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình!

Song, lần này, hành động của TQ tỏ ra ngang ngược hơn, vào sâu trong lãnh hải và phá hoại tàu của một công ty nhà nước cỡ lớn của VN.

Báo chí đưa tin, tọa độ bị cắt cáp chỉ cách mũi Ðại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý! Và ba chiếc tàu hải giám này ngang nhiên hoành hành suốt hơn 3 tiếng đồng hồ! Trong khi đó, nếu tàu TQ xâm phạm lãnh hải Malaysia hay Philippines thì ngay lập tức, họ cho tàu chiến hoặc trực thăng ra kèm sát, đuổi cho đến khi tàu TQ phải rút đi thì thôi.

Dư luận tự hỏi: Bắc Kinh đang toan tính điều gì phía sau hành động vỗ thẳng vào mặt Hà Nội này?

Trang Anh Ba Sàm bình: “Có thể đây sẽ là khởi đầu cho một loạt hành động khiêu khích, cho tới khi lấy cớ để phát động hành động quân sự xâm chiếm Trường Sa?”

Giữa lúc lòng dân sôi sục, uất ức thì nhà nước VN từ trước đến nay vẫn nín nhịn TQ đến mức bạc nhược, lại tự cho rằng đối sách như thế là khôn ngoan. Khi ngăn cản người dân lên tiếng, họ luôn luôn đưa ra những lý lẽ: Hoặc là nước ta nhỏ, đánh nhau như thế thì có lợi gì. Hoặc khuyến cáo người dân đừng nghe những luận điệu xuyên tạc, gây chia rẽ mối quan hệ tốt đẹp giữa VN và TQ. Ðừng rơi vào bẫy của các thế lực thù địch muốn hưởng lợi khi thấy VN và TQ đánh nhau, v.v.

Thật ra, nhà nước VN chỉ lo giữ đảng, giữ chế độ. Hà Nội sẵn sàng lùi, lùi nửa trước Bắc Kinh chỉ để được yên. Hơn ai hết, những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN hiện nay hiểu rất rõ cái thế khó khăn, thế yếu của mình nếu phải đối đầu với TQ.

Trong nước: Tình hình VN hiện tại đang hết sức rối, đặc biệt về kinh tế. Hàng loạt tập đoàn kinh tế quốc doanh làm ăn thua lỗ nặng nề hoặc vỡ nợ, phá sản. Ðồng tiền VN liên tục bị phá giá chỉ trong vòng một năm qua. Lạm phát tăng 20% trong tháng 5, thị trường chứng khoán có nguy cơ sụp đổ. Dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, v.v. Năng lực điều hành quản lý kém cỏi của những người có thẩm quyền cộng với nạn tham nhũng nặng nề và những bất cập của mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã dẫn đến hậu quả này.

Về xã hội, chế độ độc tài đã tạo ra quá nhiều mâu thuẫn, đối kháng và quan trọng nhất, đó là nhà nước VN hiện nay không còn được lòng dân nữa.

Trước thế giới, trong nhiều năm, nhà nước VN đã tạo ra một hình ảnh rất xấu-độc tài, hành xử với nhân dân rất tệ. Bóp nghẹt mọi tự do ngôn luận. Dập tắt mọi tiếng nói phản biện, kêu gọi mở rộng dân chủ, thay đổi thế chế chính trị... qua hàng loạt vụ bắt bớ, xét xử bất công những người bất đồng chính kiến, đấu tranh ôn hòa... Những cuộc đàn áp tôn giáo, các dân tộc thiểu số. Hàng loạt vụ công an sách nhiễu, đánh chết dân lành. Một thành tích tệ hại về nhân quyền... Bên cạnh đó là chính sách hai mặt, đu dây giữa các nước lớn, lúc thế này lúc thế khác.

Tóm lại, là một nhà nước “không tin được, không chơi được”.

Tất cả những điều đó đã khiến cho VN không dành được thiện cảm, sự ủng hộ mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và các nước dân chủ, tiến bộ trên thế giới. VN cũng không có đồng minh chiến lược.

Trong khi đó, kinh nghiệm nhiều lần cho thấy, cứ khi nào VN ở vào thế yếu là TQ lấn lướt hoặc tìm cách tấn công. Từ thời Hoàng Sa bị mất vào tay TQ năm 1974, Trường Sa năm 1988. Hoặc khi TQ hòa dịu được với Hoa Kỳ. Như cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, TQ vừa làm thân với Hoa Kỳ xong là “dạy cho VN một bài học” ngay.

Dư luận vỉa hè đồn đoán TQ có thể nhân dịp này để đánh chiếm thêm một số đảo ở Trường Sa.

Nếu quả vậy, TQ sẽ lấy được thôi. Cũng chả có ai can thiệp vào chuyện “nội bộ” của VN và TQ làm gì. Và TQ sẽ lấn dần, lấy hết cho đến khi vùng biển này 80% là thuộc về họ, như tấm bản đồ “lưỡi bò” mà họ đã vẽ!

Ngậm ngùi nhớ lại những người dân VN vì yêu nước mà phải bị sách nhiễu đủ kiểu hoặc bị tù tội. Những blogger như Ðiếu Cày, Anh Ba SG, cô Phạm Thanh Nghiên... Ðảng và nhà nước đã từng bịt miệng họ và bao tiếng nói khác cũng như đã từng dập tắt những cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh phản đối TQ xâm lược Hoàng Sa-Trường Sa. Ngày hôm nay khi TQ hành xử như thế này, đảng và nhà nước VN trả lời họ ra sao đây? Và ngày mai, khi TQ gây chiến với VN một lần nữa, đảng và nhà nước VN sẽ trả lời ra sao trước lịch sử, trước dân tộc VN?

Rất nhiều người cho rằng: Nếu khôn ngoan ra, những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản nên kịp thời sửa sai bằng cách để cho báo chí và người dân được tự do lên tiếng phản đối hành động ngang ngược của TQ. Ðể cho thế giới cũng biết người VN nghĩ gì và ủng hộ. Thái độ của người dân cộng với phản ứng từ quốc tế ít nhất cũng làm cho TQ chùn tay, hiểu rằng không phải cứ muốn làm gì thì làm. Còn nếu cứ im lặng, tìm cách bịt miệng dân, làm nhụt chí khí quật cường của người dân, thế giới cũng không rõ ý ta ra sao thì chỉ khiến cho TQ càng thêm lấn lướt mà thôi.

Ðã từng có những câu hỏi đặt ra: Bây giờ hoặc trong một tương lai rất gần, nếu chiến tranh giữa VN-TQ lại xảy ra, những người VN yêu nước, yêu tự do dân chủ sẽ làm gì? Có chấp nhận để cho đảng cộng sản, một lần nữa, dùng chiêu bài cứu nước để lại thống nhất lòng dân vào một mối, tiến hành một cú lừa vĩ đại lần nữa?

Hoặc gây sức ép để buộc nhà nước VN phải chấp nhận thay đổi nếu muốn có sự đồng thuận của toàn dân? Phải là một chính quyền có chính danh, do dân lựa chọn ra, kiên quyết đi theo con đường tự do dân chủ pháp trị thì mới có đủ uy tín, sức mạnh để lãnh đạo toàn dân vào cuộc chiến tranh mới. Và mới có được sự ủng hộ từ các nước dân chủ, tiến bộ trên thế giới.

Mối nguy cơ từ TQ có thể trở thành họa mất nước hay là cơ hội thay đổi lớn với đất nước, dân tộc-cũng là phép thử cho người VN.

Song Chi

Báo Người Việt

Không có nhận xét nào: