Pages

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Cần một cơ chế bảo vệ hữu hiệu những người tố cáo tham nhũng

Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-12-28
Một trong những biện pháp có thể chống tham nhũng hiệu quả là sự đồng lòng của mọi người trong xã hội, với việc tố cáo những kẻ cậy quyền thế nhũng lạm của công.


Source laodongonline
Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VIII tại Hà Nội
Tuy nhiên lâu nay hầu hết những người can đảm lên tiếng tố cáo những vụ việc tham nhũng đều gặp sự đe doạ, trả thù. Một cơ chế bảo vệ hữu hiệu những người tố cáo tham nhũng là vấn đề được đặt ra lâu nay.
Vậy làm sao cho cơ chế như thế ra đời và hoạt động hữu hiệu?
Gia Minh trình bày trong phần sau.

Cuộc đấu tranh không cân sức giữa người tố và bị tố
Tình trạng những người thấy các vụ việc tham nhũng và can đảm lên tiếng tố cáo với cơ quan chức năng, để rồi bị đe doạ, khủng bố và trả thù từng xảy ra lâu nay.
Tình hình này một lần nữa được chính thức nêu lên tại Hội nghị Thi đua Yêu nước khai mạc hôm thứ hai 27 tháng 12 vừa qua tại Hà Nội. Truyền thông trong nước nêu danh năm nhân vật lâu nay dám công khai chống tham nhũng và được mời tham dự hội nghị như những tấm gương sáng trong cuộc sống. Tại diễn đàn công khai đó, các phát biểu của họ cho thấy trong thời gian đi tố cáo tham nhũng tại điạ phương, hay cơ quan làm việc họ đều bị trù dập, trả thù dữ dội. Tấn công từ phiá bị tố cáo đôi khi quá dữ dội khiến họ phải chùn bước đấu tranh.

Một trong năm đại biểu chống tham nhũng lâu nay có mặt tại Hội nghị Thi đua Toàn quốc năm nay là bà Nguyễn Thị Hoà, ở Yên Phụ, Tây Hồ Hà Nội. Theo các báo trong nước thì suốt thời gian chín năm qua đi đấu tranh chống tham nhũng bà từng bị thoá mạ, tung tin xấu, rồi còn bị đe doạ cắt gân chân, và đối diện với cái chết.
Bà cũng phải hy sinh toàn bộ số tiền dưởng già, dành dụm suốt thời gian làm việc trước đây, cũng như cả một căn nhà mua theo dạng tái định cư tại Chung cư Đền Lừ.
Một người nông dân ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá là ông Phùng Sĩ Lâm; khi tố cáo những sai phạm của cán bộ điạ phương trong quản lý đất đai, sử dụng đất nông nghiệp đã từng bị chính những đối tượng đó lên tiếng đe dọa tiêu diệt. Ông đã bị họ cô lập với tin tung ra ông là thành phần gây rối, nguy hiểm không nên dây vào.
Hẳn nhiều người tại Việt Nam đều biết đến danh tính của một cụ bà vẫn kiên gan giúp nhiều người khác đấu tranh chống tham nhũng, cụ bà Lê Hiền Đức. Bà từng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao giải thưởng Liêm chính năm 2007, và được

Bà Lê Hiền Đức




nhà nước cho ra nước ngoài tham dự nhiều buổi hội thảo chống tham nhũng do các tổ chức quốc tế tổ chức. Tuy nhiên hoạt động của bà vẫn bị hạn chế như thổ lộ của bà sau đây:

Tôi luôn bị khủng bố. Ngay cả Đảng ủy một quận chỉ thị phải bảo vệ tôi khi đi đây đó chống tham nhũng; thế nhưng chính bí thư Đảng uỷ phường bắt tay với công an, hiệu trưởng trường đang bị tố cáo để khủng bố tôi. Gần đây nhất vaò ngày 29 tháng 10, tôi lại bị khủng bố. Tôi phải dùng từ là bị lừa đảo: chủ tịch quận mời tôi đến để trao đổi, giải quyết một số vấn đề trong quận; khi tôi đến thì chủ tịch không tiếp tôi mà đẩy sang cho một phó chủ tịch. Vị phó chủ tịch này bài binh bố trận kéo đến hơn 20 người nữa. Trong buổi họp họ gây với tôi hỏi tôi đại diện cho tổ chức nào mà chống tham nhũng. Tôi nghe mà không nói nên lời.
Mạng VietnamNet trích dẫn phát biểu của ông Dương Thanh Phúc, phó ban chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng tỉnh Cao Bằng, nói rõ ‘Rất nhiều người tốt muốn đến với những người chống tham nhũng nhưng không dám đến; nhiều người chống tham nhũng rất tiêu biểu, tích cực lại phải sống vất vả do cơ chế chưa bảo vệ được họ’.

Tại kỳ họp quốc hội thứ 8, khoá 12 vừa qua, các đại biểu cũng đã nêu vấn đề làm thế nào cho công tác chống tham nhũng đạt hiệu quả, trong đó có biện pháp tố cáo nặc danh.
Lâu nay hình thức này không được luật pháp Việt Nam thừa nhận với lý do như trình bày của luật sư Phạm Hồng Hải từ Hà Nội như sau:
Trước đây khi chưa có Luật Khiếu nại- Tố cáo, cứ hễ có đơn từ nặc danh nào đó, tự nhiên có những việc gây khó khăn cho người bị tố cáo. Ví dụ như Luật sư Phạm Hồng Hải bị tố cáo, ngay lập tức những chuyến đi tham quan nước ngoài bị dừng lại, những lớp học lẽ ra Luật sư Phạm Hồng Hải được đi học, tự nhiên bị dừng lại. Như vậy ảnh hưởng đến quyền lợi, và kẻ xấu lợi dụng điều đó để trả thù cá nhân với những động cơ cá nhân không tốt. Quan điểm của tôi là nên giữ những qui định như hiện nay, với tính cách là một luật sư và một chuyên giá nghiên cứu pháp luật. Chỉ có điều phải làm sao tăng cường bảo vệ người đi khiếu nại, tố cáo; phải có một cơ chế giải quyết khiếu nại- tố cáo như thế nào để đảm bảo quyền lợi của người dân, đặc biệt giải quyết một cách nhanh nhất để họ đỡ bức xúc. Thế thôi!

Khuyến khích việc tố cáo để tránh bỏ sót
Tuy nhiên theo một số vị đại biểu quốc hội, việc tố cáo nặc danh do những người thành tâm nhưng vì sợ bị trù dập, trả thù như thường thấy lâu nay vẫn có giá trị tham khảo của nó. Do đó cần đưa ra một cơ chế phù hợp nhằm khuyến khích người biết vấn đề đánh động cho cơ quan chức năng để xem xét, điều tra.
Các vị đại biểu quốc hội cho rằng nếu không qui định giải quyết loại tố cáo nặc danh sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót, không xử lý những hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân, thuộc đơn vị Tây Ninh, có ý kiến về vấn đề tố cáo nặc danh như sau:
Luật hiện nay đã mở ra cho phép tố cáo qua điện thoại, e-mail, qua những phương tiện thông tin điện tử như vừa rồi có một video clip về một người giữ trẻ bạo hành trẻ em và cơ quan chức năng khởi tố. Như thế họ xem đó là bằng chứng. Tôi nghĩ rằng luật pháp qui định đến mức đó là tạm ổn. Tuy nhiên có ý kiến cho tố cáo nặc danh thường do động cơ không tốt; có số ít sợ trả thù.
Theo tôi tố cáo qua email, điện thoại cũng là tố cáo nặc danh vì khó xác định nguồn gốc, danh tính người tố cáo; tuy nhiên theo tôi cần tôn trọng những loại tố cáo đó. Để không gây hậu quả xấu, chúng ta phải xử lý những tố cáo chưa thật sự rõ ràng; không nên có những hành động làm ảnh hưởng, gây thiệt hại cho người bị tố cáo khi chưa có kết luận rõ ràng. Chứ không phải không cho phép tố cáo nặc danh. Luật cần ghi nhận những hình thức tố cáo qua hình thức tin nhắn, điện thoại, thư điện tử… và ghi nhận tố cáo nặc danh là một nguồn quan trọng, cần thiết cho cơ quan quản lý.

Tại diễn đàn quốc hội hồi ngày 18 tháng 11 vừa qua, đại biểu Hồ Quốc Dũng, đơn vị Bình Định kể lại vụ việc tại điạ phương ông cách đây hai năm một người tố cáo tham nhũng bị trả thù đến nổi phải bỏ nhà đi, và nhà người đó bị phá hoại. Khi đến báo cho công an thì công an nói cũng chịu. Các cơ quan bàn phối hợp giải quyết bồi thường cho người chịu trả thù thì vấp phải bế tắc về qui định pháp luật không có.
Hoạt động tố cáo, chống tham nhũng có thể nói là đấu tranh giữa điều thiện và cái ác. Từ muôn đời đây là một cuộc chiến đôi khi không cân sức với thế lực ác áp đảo phiá thiện. Tuy nhiên, trong một xã hội pháp trị, luật lệ nghiêm minh, đầy đủ được thi hành bởi những đội ngũ công tâm thì hành xử xằng bậy không thể lọt lươí luật pháp quốc gia.

Không có nhận xét nào: