Pages

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Thiếu tiền, thiếu chuyên viên, phát điện bằng than vẫn rẻ

Ðiện hạt nhân Việt Nam chậm 8 năm


HÀ NỘI (TH) - Nhiều yếu tố cộng lại từ thiếu tiền và chuyên viên đến giá than đá rẻ, dự án xây dựng điện hạt nhân của Việt Nam cũng như Thái Lan có thể bị trì hoãn đến 8 năm thay vì được loan báo khởi sự hoạt động phát điện từ năm 2020.

Một số cư dân Hà Nội quan sát mô hình nhà máy điện hạt nhân của công ty Mitsubishi, Nhật Bản, trong cuộc triển lãm điện hạt nhân lần thứ tư tổ chức ở Hà Nội ngày 27 tháng 5, 2010. (Hình: AFP/Getty Images)


Theo sự phân tích của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie Ltd., ở Anh Quốc, được hãng tin tài chính Bloomberg thuật lại, hai nước vừa kể sẽ cần nhiều thời gian hơn để chấp thuận các ngân khoản đầu tư so với thời gian cần thiết để chấp thuận ngân khoản cho các dự án nhiệt điện chạy bằng than đá. Ðồng thời, vấn đề đào tạo chuyên viên, nhất là các chuyên viên bảo đảm an toàn cho việc điều hành nhà máy điện hạt nhân cũng là những vấn đề lớn hiện giờ còn cần huấn luyện.

“Một yếu tố chính của dự án điện hạt nhân và đầu tư tài chính mà chúng tôi cảm thấy sẽ bị trì hoãn vì nó tốn kém gấp nhiều lần so với nhiệt điện than đá.” Graham Tyler, trưởng phân bộ năng lượng và khí đốt Ðông Nam Á của công ty Wood Mackenzie Ltd., nói trong một cuộc phỏng vấn ở Singapore mới đây. “Vấn đề không phải chỉ là xây dựng một nhà máy điện. Anh cần phải huấn luyện kỹ sư có khả năng điều hành, kiểm tra nhà máy điện hạt nhân, biết chắc chắn là an toàn.”

Việt Nam cũng như nhiều nước ASEAN khác muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, thay vì chỉ tùy thuộc vào một nguồn nào. Việt Nam đang sử dụng than đá, khí đốt để sản xuất điện bên cạnh các đập thủy điện.

Các đập thủy điện tại Việt Nam càng ngày càng để lộ những khuyết điểm lớn của những dự án được thành lập vội vàng. Mùa Hè thì không có nước chạy máy nhưng khi đến mùa mưa lũ thì hối hả xả nước vì sợ vỡ đập. Hậu quả, làng mạc thành phố dưới khu vực hạ lưu bị ngập lụt, người chết, tài sản thiệt hại.

Thái Lan dự tính hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hoạt động từ năm 2010 với công suất 1,000MW mỗi nhà máy. Việt Nam cũng vậy, hai lò điện hạt nhân đặt tại Ninh Thuận, dự tính phát điện vào năm 2010, công suất mỗi lò là 1,000MW.

Tháng trước, tổng thống Nga sang Việt Nam ký thỏa hiệp xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam. Việt Nam còn dự trù xây thêm 13 nhà máy điện hạt nhân khác với tổng công suất lên đến 16,000MW đến năm 2030.

Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Nhật với khả năng để Nhật xây 2 nhà máy kế tiếp.

Việt Nam cần gia tăng điện năng mỗi năm ít nhất 15% để đáp ứng như cầu điện và phát triển kinh tế. Ðại đa số các nhà máy thủy điện đều có công suất rất nhỏ, xây dựng ngăn chặn thượng nguồn trên những dòng sông ngắn. Hệ thống sông Vu Gia Thu Bồn ở Quảng Nam chỉ dài khoảng 200km nhưng phải gánh tới 110 đập thủy điện. Không một nước nào trên thế giới lại phát triển thủy điện kiểu này, băm nát đồi núi, hệ sinh thái của khu vực.

Nhà cầm quyền một số địa phương từng phản đối xả lũ hối hả mùa mưa gây ngập lụt, mùa Hè dân không có nước làm ruộng và sinh hoạt, nhưng không có gì thay đổi.

Theo ông Tyler, Việt Nam không có khả năng tài chính để trả tiền thuê các chuyên viên năng lượng hạt nhân có kinh nghiệm từ các nước khác vì lương họ rất cao, một việc nước Ả Rập United Arab Emirates (UAE) đang thực hiện. Nhưng hiện Việt Nam cũng vẫn chưa thiết lập chương trình huấn luyện mà Nga và Trung Quốc đang có.

UAE, kinh tế giầu gấp 3 Việt Nam lại ít dân, ký hợp đồng với một công ty Hàn Quốc để xây dựng 4 nhà máy điện hạt nhân trị giá $18.6 tỉ USD, dự trù hoạt động phát điện từ năm 2010.

“Anh có thể nhập cảng chuyên viên nhưng anh phải trả tiền công rất cao.” Tyler nói. “UAE rất giầu có so với các nước khu vực ASEAN. Các nước Ðông Nam Á có thể không chịu đựng nổi tốn kém đó.”

Bởi vậy, theo ông, các nước này sẽ phải dựa vào than đá để giải quyết nhu cầu điện năng chừng nào vấn đề tài chính cho các nhà máy điện hạt nhân vẫn còn là vấn đề khó giải quyết.

Theo ông Tyler, đến năm 2030 một phần ba điện năng của Việt Nam do than đá sản xuất. Hiện Việt Nam đang sản xuất điện khoảng từ 17% đến 20% từ than đá. Tỉ lệ năng lượng từ khí đốt của Việt Nam từ 40% hiện nay giảm xuống còn 25%.

Nếu trì hoãn xây dựng, giá thành của các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam sẽ bị “đội” lên cao nhiều hơn nữa, một phần hệ quả khó tránh của sự chậm trễ.

Thỏa hiệp ký ngày 31 tháng 10, 2010 giữa Việt Nam và Nga ở Hà Nội ước tính trị giá $5 tỉ USD liệu vẫn là số tiến này 10 năm nữa hay 18 năm nữa? Ðây là một dấu hỏi rất lớn còn bỏ ngỏ.

Không có nhận xét nào: