Pages

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Cần tự do thanh nghị

Ngô Nhân Dụng


Ở nước ta đời xưa, có một truyền thống gọi là Danh Giáo, hoặc thanh nghị, tức là các nhà Nho bình phẩm các hành vi, lời nói của người trong xóm làng, có khi bàn đến cả việc chung cả nước.

Phan Khôi đã nêu lên hiện tượng này trong một loạt bài phê bình Khổng Giáo rất gắt gao, trong nhiều số báo Thần Chung xuất bản tại Sài Gòn năm 1929.

Mục đích của cụ Phan Khôi là bài bác ảnh hưởng Nho giáo trong thời kỳ nước Việt Nam đang cần canh tân. Là một đã học đạo Nho từ nhỏ lớn lên, Phan Khôi tấn công vào những thuyết như “minh đức tân dân” (Sách Ðại Học), thuyết “trung dung,” tư tưởng mà ông gọi là “chủ nghĩa làm quan,” tinh thần coi khinh nhà nông, mà Phan Khôi cho là “trong Khổng giáo mà có ảnh hưởng xấu ở xã hội ta.” Nhưng Phan Khôi cũng thấy một điều tốt do Khổng Giáo tạo nên, mặc dù không hoàn hảo, là công việc Thanh nghị mà các nhà Nho thi hành giúp cho đạo lý xã hội. Thanh nghị, nói cách khác là “bao biếm,” Phan Khôi giải nghĩa Bao là khen và Biếm là Chê, bây giờ chúng ta gọi là dư luận.

Trong làng xã Việt Nam đời xưa, có một loại “hội tư” rất có ảnh hưởng trên xã hội là các Hội Tư Văn gồm các nhà khoa bảng và các nhà Nho khác trong làng. Nơi sinh hoạt của giới này là Văn Chỉ hoặc Văn Từ, nơi thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền trong nước và trong làng. Trường học trong các làng đều là những “trường tư thục” do một ông đồ đứng làm chủ. Từ đó cũng sinh ra một hình thức “hội tư” gọi là “hội đồng môn” tập họp các học trò của ông đồ này. Sau khi ông thầy qua đời, hội đồng môn vẫn còn tiếp tục sinh hoạt để lo việc giỗ thầy, cho tới khi nào những người học trò cuối cùng qua đời mới chấm dứt. Hội Tư Văn và các Hội Ðồng Môn là nơi các nhà Nho bàn việc thanh nghị.

Phan Khôi viết: “Trên nền Khổng giáo ở nước Nam ta có những tư văn, văn chỉ, ấy là những cái cơ quan để phê bình xã hội theo như cái ý nghĩa của sách Xuân Thu.” Phan Khôi đã tóm lược quan điểm của Khổng Tử dùng Kinh Xuân Thu để phê phán các nhân vật lịch sử thời đó: “Sách Xuân Thu cốt để bao biếm. Bao, nghĩa là khen những điều phải; biếm, nghĩa là chê những điều quấy. Có vì tiên nho tán dương cái nghĩa bao biếm của sách Xuân Thu mà rằng: “Ngài khen cho một chữ là vinh hơn áo mão của nhà vua ban cho ; ngài chê cho một chữ là nghiêm hơn dùng búa rìu mà giết.”

Trong thời Pháp thuộc, Phan Khôi nhận xét, các tổ chức “Hội Tư Văn” trong làng bị xuống thấp vì bị chính quyền coi rẻ, các nhà Nho chỉ còn họp nhau “ăn thịt uống rượu” mà thôi. Nhưng, Phan Khôi viết: “Trước kia thì chính các hội ấy đã làm giềng mối, chủ trương cả dư luận trong xã hội. Mỗi một phủ huyện nào cũng đều có hội Văn Chỉ, mỗi một ông thầy dạy học lâu năm và đông học trò thì có hội Ðồng Môn. Những hội ấy rất có thế lực ở dân gian; người ta quen gọi là cái nền ‘danh giáo’ hay là cái cơ quan thanh nghị.’ Chẳng những người trong hội, cho đến người thường ở ngoài nữa, nếu có làm một việc gì phạm tới luân lý, trái với đạo đức thì không thể nào tránh khỏi sự công kích của hội hoặc trực tiếp hay gián tiếp. Có khi một việc trái phép mới xảy ra, pháp luật của nhà nước chưa hỏi đến, mà chính người thủ phạm trong việc ấy đã bị ‘thanh nghị’ làm cho sỉ nhục mà phải hối cải hơn là bị hình phạt. Bởi vậy cũng có khi, ở dân gian, người ta đem những việc bất bình mà cáo với các hội ấy, chớ không cáo với quan.”

Hiện tượng người dân đem những “việc bất bình” nói cho các hội tư văn hoặc hội đồng môn, chứ không “cáo” cho các quan lại, cho thấy bên cạnh “guồng máy tư pháp chính thức” có một mạng lưới lo việc phê bình, can ngăn những việc xấu do tư nhân đảm nhiệm, mà ảnh hưởng có thể mạnh hơn cả hệ thống tư pháp công cộng!

Vai trò của giới trí thức làng xã trong việc bảo vệ đạo lý, và có khi bảo vệ cả luật pháp ở trong làng cho thấy xã hội dân gian nước ta có một “không gian tư” làm các công việc mà ngày nay người ta thường coi là thuộc phạm vi của nhà nước. Những “phán quyết” của các hội tư này có giá trị tâm lý mạnh và lâu dài hơn bộ máy tư pháp chính thức, và mối ràng buộc của các phê phán đó đối với mọi người có thể còn mạnh hơn cả các tôn giáo.

Vì theo Phan Khôi: “Hồi xưa người ta sợ ‘thanh nghị’ lắm, sợ đắc tội với ‘danh giáo’ lắm, hơn là sợ tù tội nữa. Bởi vì cái nhục của tù tội còn có chừng, lại có khi theo vua thì bị tù tội, song đối với công chúng lại được khoan thứ; chớ còn đã bị ‘thanh nghị’ công kích, đã bị ‘danh giáo’ loại ra, thì gần như là không còn mặt nào trông thấy ai, không còn biết ở đời với ai, chỉ có nước vạch đất ra mà chui xuống! Cho nên lúc bấy giờ, từ hàng tấn thân cho đến hạng dân dã, ít kẻ dám công nhiên làm bậy như ngày nay.” Xin chú ý, hai chữ Ngày Nay ở đây là vào đầu thế kỷ trước. Khi nghĩ đến xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ 21, cảnh “công nhiên làm bậy” còn tiến thêm nhiều bước nữa!

Vai trò “thanh nghị” của giới Nho sĩ trong làng xã Việt Nam, khi dùng lời phê phán khiến người phạm lỗi “chỉ có nước vạch đất ra mà chui xuống” cũng giống như tập tục trong đô thị Athena ở Hy Lạp thời cổ, gọi là “Ostracism” (Εξωστρακισμός).Một công dân tại Athena có thể bị “trục xuất” một thời gian, không cho ở trong thành phố nữa. Quyết định này không theo những thủ tục tư pháp bình thường. Ostracism không phải là một hình phạt của tòa án, không có bên công tố và bên bào chữa. Tất cả chỉ là quyết định chung của các công dân để trừng phạt tạm thời một người. Mà không phải ai ở thành phố Athena cũng có quyền công dân, họ chỉ là một thiểu số trong tất cả dân cư, giống như các nhà Nho trong một địa phương. Hành động Thanh nghị trong làng xã nước ta nhằm bảo vệ Danh Giáo, không đưa tới việc trục xuất ai ra khỏi làng, mà chỉ tạo áp lực xã hội trên người làm điều xấu. Nhưng hình phạt tâm lý này còn nặng hơn việc trục xuất thật.

Công việc thanh nghị đó, Phan Khôi thấy là do các nhà Nho muốn tiếp nối công việc “bao biếm” của Kinh Xuân Thu mà Khổng Tử biên soạn. Ông viết: “Sự khen chê của sách Xuân Thu là suốt từ việc lớn cho chí việc nhỏ. Ðây nói những việc lớn: Ai giúp kẻ yếu, chống kẻ mạnh, cứu những nước bị tai nạn, phò những nước bị diệt vong, ấy là được khen (Bao), còn những nước chiến tranh nhau, hoặc dùng mưu kế mà khi trá nhau, cùng những con giặc, tôi loàn, và những kẻ phản quốc, thờ quân thù nghịch, thì bị chê. Nói tóm lại, phàm việc gì hại đến cuộc hòa bình của xã hội là bị chê (Biếm).”

Phan Khôi nhận xét: “Tuy vậy, xét kỹ lại thì cái hiệu nghiệm của sách Xuân Thu, bên khen không có quan hệ lắm bằng bên chê.” Trong hiện tượng “thanh nghị” ở các làng xóm cũng vậy; lời phê phán của các nhà Nho giúp ngăn ngừa những cái xấu trong xã hội, ảnh hưởng đó hữu ích hơn việc khen ngợi; vì những ai đáng khen ngợi thì “cả làng” đã biết rồi.

Phan Khôi đã mô tả ảnh hưởng của vai trò thanh nghị qua những câu chuyện cụ thể, thí dụ nhờ thanh nghị mà đời xưa người Việt Nam ít mắc ghiền ma túy. Ông viết: “Tôi xin cử ra đây một sự cấm hút thuốc phiện. Ðời Tự Ðức, khi chưa hòa với Pháp về trước, triều đình ta vẫn cấm nhân dân hút thuốc phiện. Trong sự cấm ấy, phép vua tuy nghiêm mà cũng không bằng các hội Văn Chỉ và Ðồng Môn. Tôi chưa kịp thấy, nhưng nghe các ông già nói lại rằng lúc bấy giờ thuốc phiện dầu nhiều và rẻ mà ít ai dám hút, nhứt là những người có học, không sợ hình phạt là mấy, nhưng sợ rủi bị hội Văn Chỉ hoặc hội Ðồng Môn ngoại ra thì khốn.”

Phan Khôi đã kể những câu chuyện thời đầu thế kỷ 20 ở nước ta để so sánh: “Ta thử đem việc ấy so với hai việc sau nầy. Ở gần miền tôi có một người vô đạo mà ghiền thuốc phiện. Ông cố (tức là vị linh mục) bắt xưng tội ấy thì anh ta không chịu xưng, nói rằng hút thuốc phiện không phạm vào mười điều răn của Chúa. Lại khi ở Hà Nội, tôi có gặp một ông thầy tu cũng hút. Tôi hỏi chớ thầy không sợ phạm giới sao. Ông ta trả lời rằng trong ngũ giới của Phật vẫn không cấm điều nầy, mà có lẽ hút á phiện thì tiệt được sự sắc dục, lại là có ích cho người tu hành nữa vậy! Coi đó thì thấy rằng cũng đồng một sự cấm hút á phiện mà một bên nói rằng hút thì hư nhân cách, làm cho người ta dễ nghe hơn là bên kia nói rằng hút thì ‘trái ý Chúa’ hay là ‘mang tội cùng Phật’ vậy.”

Khi bị thanh nghị chê bai, một người dân làng cảm thấy “hư nhân cách,” cũng giống như bây giờ chúng ta gọi là bị “mang tiếng.” Qua hai thí dụ trên, Phan Khôi cho thấy mối lo sợ bị mang tiếng “hư nhân cách” có tác dụng mạnh hơn cả những lời răn của các tôn giáo.

Phan Khôi viết cả một loạt bài công kích ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng vẫn coi vai trò thanh nghị của các nhà Nho trong xã hội là rất đáng quý. Công việc thanh nghị dần dần không bị giới hạn trong đám Nho sĩ nữa mà đã lan rộng ra toàn dân, có thể gọi là một quá trình “dân chủ hóa” hoặc “đại chúng hóa.” Chính Phan Khôi mô tả: “Ngày nay dầu các hội nói trên kia không còn gì, cái thế lực của “thanh nghị” không có tỏ bày ra như trước, nhưng tôi nói rồi, nó đã bám vào trong lòng mọi người, thì không có bao giờ mất đi được, điều ấy khỏi lo.”

Phan Khôi kể: “Trong khoảng 5- 7 mươi năm nay, những người nào tỏ ra là bất trung với bổn quốc, hãm hại đồng bào, thì bị người ta chửi mắng nhiếc móc riêng với nhau.” Ðó là công việc thanh nghị do người dân phụ trách, không cần đợi giới Nho sĩ. Phan Khôi nêu mấy thí dụ: “Ở Bắc kỳ, có những sanh phần sanh từ của mấy ông quan to bị người ta đề thơ mà chửi bới, hay là đem đồ ô uế mà ném vào, cùng là lén mà phá cho hư đi. Lại có những người tuy chưa làm ra việc chi đáng trách, chỉ mới nói một vài câu chi đó mà thôi, cũng đã bị cáo là ‘bán nước dối dân,’ rất là khó chịu.”

Một giới người bị công luận chê bai nhất là những tên công an làm tay sai cho chế độ thực dân. Phan Khôi khẳng định: “Một vạn cái lòng (người) An Nam (sic) chẳng có cái nào là chẳng ghét những người làm mật thám, tức Nam kỳ kêu bằng lính kín.” Phan Khôi không có thành kiến với giới công an; nếu họ làm đúng bổn phận lo việc an ninh chung. Ông viết: “Mật thám ở các nước văn minh là những người có phần trong sự giữ cuộc trị an cho xã hội, song theo cái tình thế riêng ở xứ ta lại khác, cho nên người ta ghét cũng phải!” Sang thế kỷ 21 rồi, những ý kiến đó vẫn còn đúng!

Cụ Phan Khôi kể ngay một kinh nghiệm bản thân, có một thời gian cụ bị người ta phao tin đồn làm tay sai cho Pháp: “Trong khoảng 4-5 năm nay, có nhiều người khi không mà bị nghi là mật thám. Tôi cũng là một người trong đám ấy.” Hậu quả là “tôi đi đến đâu, người ta chào sơ qua rồi thôi, ít hỏi han chi. Nếu là chỗ đông người thì họ lấy mắt ngó nhau, dường như bảo phải giữ mình... chẳng khác nào giữ một đứa kẻ cắp. Ngoài sự giữ gìn ấy họ lại còn hằm hằm mà tỏ ra dáng khinh bỉ... lại có được thơ nặc danh gởi đến luôn luôn (cho tôi), cái thì khuyên tôi cải ác tùng thiện, cái thì chửi tôi tàn tệ.”

Bị nghi oan, bản thân bị thiệt hại, nhưng Phan Khôi lại vui mừng vì thấy công luận vẫn đóng vai trò thanh nghị: “Tôi chịu những điều đoán phạt oan ức ấy mà lại lấy làm vui lòng, vì nội đó cũng đủ chứng rõ cái lòng ái quốc và cái đức chánh trực của dân tộc Việt Nam.” Ông viết tiếp: “Dân tộc ta mà sau này có ngày cất đầu lên được, là nhờ ở chỗ đó. Chỗ đó, ta phải cảm ơn Khổng giáo, ta phải nhận rõ ràng là sự ban tứ của sách Xuân Thu.”

Bây giờ là đầu thế kỷ 21, khi coi lại những lời Phan Khôi viết hơn 80 năm trước, chúng ta vẫn ngậm ngùi khi đọc câu: “Dân tộc ta mà sau này có ngày cất đầu lên được, là nhờ ở chỗ đó.”

“Chỗ đó” mà Phan Khôi nói trên đây là cái quyền thanh nghị của giới trí thức và mọi người dân trong xã hội. “Chỗ đó” không là luật pháp thành văn nhưng là một quyền mặc nhiên được công nhận trong “hợp đồng xã hội” của người Việt Nam chúng ta trong hàng ngàn năm lịch sử.

Khi người Việt Nam bắt đầu nghĩ đến công cuộc duy tân thì công tác thanh nghị bảo tồn danh giáo trên đây sẽ còn hay không? Xã hội đã biến chuyển, tiến bộ, nhiều thứ quyền mặc nhiên phải được chính thức hóa, phải trở thành minh bạch, công khai. Phong tục cổ truyền đã được thay thế bằng một thứ quyền hiến định do luật pháp bảo vệ, là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nếu chế độ không thi hành đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí thì nước ta đã bỏ mất một định chế cổ truyền, là thanh nghị. Nhiều người bênh vực chế độ độc tài cứ nói rằng các quyền tự do này là sản phẩm của văn hóa tây phương, không thích hợp với truyền thống Á Ðông. Ðọc Phan Khôi, chúng ta thấy thực ra việc tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chính là theo một truyền thống của dân tộc!

Trong lúc nhà nước cộng sản chiếm độc quyền làm công việc truyền thông, giới trí thức nước ta, những nhà Nho mới vẫn tiếp tục công tác thanh nghị trên các mạng lưới. Mạng lưới Bô xít Việt Nam là một cơ quan thanh nghị. Các người chủ trương những mạng nhà báo tự do, những ông Ðiếu Cầy, Tô Hải, cô Mẹ Nấm đang làm công việc thanh nghị, để, theo dự kiến của Phan Khôi, giúp cho dân tộc Việt Nam “có ngày cất đầu lên được.”

Ðiều đáng lo là những người cầm quyền ngày nay không phản ứng giống như giới quan lại ngày xưa. Xưa kia, bị mang tiếng xấu thì người ta sợ hãi; ngày nay họ vẫn nhơn nhơn. Những công an trừ nạn mại dâm lại chụp hình làm nhục các cô gái đáng thương, họ cũng đáng thương vì không được giáo dục. Những ông hiệu trưởng như Sầm Ðức Xương đã làm nghề dẫn gái cũng vì sống trong một guồng máy cai trị coi quyền hành của các cán bộ cao hơn pháp luật. Cả tập đoàn cai trị một tỉnh Hà Giang, từ bọn đầu sỏ Nguyễn Trường Tô, Ðinh Xuân Hùng, đến các cán bộ hải quan Hướng, trưởng ban tổ chức công an Bích, và các công an như Minh, Tiến, đã tham dự vào mạng lưới ghê tởm làm hại đời các nữ học sinh. Còn biết bao nhiêu tập đoàn thống trị làm hại dân như vậy, không ai tố cáo nên hiện giờ vẫn còn tiếp tục tác hại? Họ vốn không biết liêm sỉ hay xã hội đã biến họ thành vô liêm sỉ?

Nền giáo dục cộng sản đã làm nhiều người bị thui chột đức liêm sỉ. Muốn cho việc thanh nghị đóng được vai trò giáo huấn, ngăn ngừa cái xấu thì phải thay đổi nền giáo dục, bắt đầu với việc xóa bỏ những căn bản là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Ðông. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phải thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong Hiến Pháp! Ðó chính là quyền thanh nghị trong truyền thống nước ta.

Không có nhận xét nào: