Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Đòi Làm Chủ Toàn Biển Đông, Tq Lại Tố Nhật Gây Sự Ở Hà Nội

TQ Đưa Thêm 37 Tàu Hải Quân Vào Biển Đông Tuần Tiễu

HANOI -- Căng thẳng tại Hà Nội: Trung Quốc đấu tố Nhật Bản, theo đài VOA, trong khi đó TQ đưa thêm 37 taù tuần vào Biển Đông, theo đài RFI.
Bản tin VOA viết rằng căng thẳng tại hội nghị cấp cao ở Hà Nội nổi lên khi Trung Quốc tố giác Nhật Bản làm hỏng không khí đàm phán tại hội nghị để bàn về hợp tác kinh tế và chính trị.
Lãnh đạo các nước ASEAN hôm thứ Sáu họp với Nhật Bản, Nam Triều Tiên, và Trung Quốc trước khi họp với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon.
Tổng thư ký ASEAN ông Surin Pitsuwan nói với các nhà báo cuộc họp của nhóm thường được gọi là ASEAN Cộng Ba này nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng nhiều của nhóm:
“Nhóm cũng muốn gia tăng hợp tác và hội nhập về thương mại, đầu tư, phát triển và nhiều lĩnh vực khác để khu vực này tiếp tục tăng trưởng, ổn định và tiến bộ.”
Nhưng vào lúc cuộc họp kết thúc, Trung Quốc đã chỉ trích Nhật Bản, đòi hủy cuộc họp giữa Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Naoto Kan.
Tân Hoa Xã trích dẫn lời ông Hồ Chánh Dược, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, tố giác phía Nhật làm hỏng không khí đàm phán bằng cách đưa ra những phát biểu sai lạc trong các cuộc họp trước đó.
Tân Hoa Xã nói rằng đoàn Trung Quốc bác bỏ các tin cho rằng hai bên đã đồng ý mở lại đàm phán về tranh chấp lãnh thổ trong vùng Biển Đông Trung Hoa.
Ông Noriyuki Shikata, một Phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản nói với các nhà báo rằng phản ứng của Trung Quốc không có cơ sở:
“Chúng ta cần đối thoại giữa hai quốc gia, và có những vấn đề cần giải quyết. Chúng tôi duy trì lập trường cơ bản của chúng tôi là muốn giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, chúng ta phải đàm phán.”
Sáng hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng của Trung Quốc và Nhật Bản gặp nhau, dường như để chứng tỏ có dấu hiệu quan hệ nồng ấm.
Trong 3 ngày họp cấp cao, nhiều người quan tâm trước thái độ quả quyết của Trung Quốc khi đòi chủ quyền lãnh hải.
Bắc Kinh nói rằng họ có toàn bộ chủ quyền tại Biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, đưa họ vào vị trí tranh chấp tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; mà một số nước, trong đó có Việt Nam, cũng đòi chủ quyền.
Vào ngày thứ Bảy, lãnh đạo của nhóm ASEAN Cộng Ba sẽ họp với lãnh đạo của Australia, Ấn Độ và New Zealand trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Nga và Mỹ sẽ dự thượng đỉnh Đông Á với tư cách quan sát viên và được mời gia nhập nhóm này với tư cách là thành viên vào năm 2011.
Bản tin đài RFI hôm 28-10 cho biết:
“...Hiện tại, hải quân Trung Quốc thường sử dụng các tàu cá, các tàu kéo lưới loại lớn, như một lực lượng dân binh nhằm gây ra các sự cố xung quanh khu vực những hòn đảo tranh chấp, giàu tiềm năng về khí đốt hay dầu mỏ. Đụng độ đã từng xảy ra giữa tàu Trung Quốc với tuần duyên Nhật, và kể cả các tàu của Việt Nam và Philippines, hay với Đệ thất Hạm đội của Mỹ tại Thái Bình Dương. Đệ thất Hạm đội là lực lượng đảm nhiệm việc bảo vệ lãnh thổ của Nhật, kể cả các đảo thuộc chủ quyền của Nhật, mà hiện tại xung quanh khu vực này, Trung Quốc đang tăng cường lực lượng tuần tiễu hải quân.
Hôm Thứ Năm, một viên chức của Cục Hải dương, thuộc Bộ Lãnh thổ và Tài nguyên Trung Quốc, cho báo chí nước này biết : một chiếc tàu tuần tiễu của Trung Quốc đã được đưa xuống vùng Biển Đông và 36 chiếc khác sẽ được bổ sung để làm nhiệm vụ tại các vùng biển bao quanh lục địa Trung Hoa. Thông báo kể trên được đưa ra đúng vào lúc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Hà Nội cho thấy chính quyền Bắc Kinh ngày càng khẳng định rõ hơn tham vọng lãnh thổ của họ trên đất liền cũng như trên biển, đặc biệt trong quan hệ với Nhật Bản và các nước láng giềng Đông Nam Á.”

Không có nhận xét nào: