Pages

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Ba Lan muốn bán võ khí cho Việt Nam


WARSAW 25-10 (TH) - Chính phủ Ba Lan đã vận động chèo kéo suốt nhiều năm qua để bán võ khí cho Việt Nam mà không thành công. Nay có vẻ như Việt Nam, một trong những nước Cộng Sản còn rơi rớt lại của thế giới, có thể trở thành một đối tác quân sự quan trọng của Ba Lan, theo bản tin của báo Rzeczpospolita.

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, phụ tá bộ trưởng quốc phòng Ba Lan, Zbigniew Wlosowicz, đã ký một thỏa ước hợp tác quốc phòng với đối tác Việt Nam.

Bề ngoài thì mọi người được biết là hợp tác nghiên cứu phát triển trong lãnh vực kỹ thuật quốc phòng cùng với việc yểm trợ lẫn nhau về tiếp vận và huấn luyện nhân sự.

“Sĩ quan Ba Lan có thể nghiên cứu và huấn luyện ở Việt Nam, và ngược lại, sĩ quan Việt Nam có thể nghiên cứu và huấn luyện tại Ba Lan”. Bản tin của báo Rzeczpospolita viết dựa theo một thông cáo báo chí của Bộ Quốc Phòng.

Tuy nhiên, đến nay chưa thấy có gì rõ rệt về một chuyện trao đổi huấn luyện xảy ra, có thể chưa có mốc thời gian ấn định khi nào thì bắt đầu. Hiện những gì mà nguồn tin nói trên biết được cho thấy sự thỏa hiệp giữa hai bên nằm trong một kế hoạch hợp tác lớn hơn nhiều. Chuyện bán võ khí cho Việt Nam từ tổ hợp sản xuất võ khí nổi tiếng Bumar.

Ðại diện Bumar đã tiếp xúc để bán võ khí cho Việt Nam suốt nhiều năm qua nhưng đến nay chưa bán được gì. Tướng Gromoslaw Crempinski phỏng định thị trường võ khí của Việt Nam trị giá nhiều tỉ đô la. Ba Lan có thể bán cho Việt Nam nhiều thứ, trong đó có các hệ thống võ khí phòng thủ duyên hải cũng như nhiều loại súng khác nhau.

“Việt Nam có thể trở thành một khách hàng tốt của Bumar.” Tướng Crempinski tin như vậy. “Nếu chúng ta có thể bán được các loại võ khí ở đó, hiển nhiên là một sự thành công. Ðó là lý do tại sao tôi coi bản thỏa hiệp hợp tác quốc phòng Ba Lan-Việt Nam là một bước đi đúng hướng.”

Stalislaw Wziatek, một đại biểu Quốc Hội thuộc Liên Minh Dân Chủ Tả Phái, đồng thời là chủ tịch Ủy ban Quốc Phòng, đồng ý với ý kiến của Tướng Crempinski. Ông cho rằng chuyện hợp tác huấn luyện nhân sự chỉ là một mảnh của vấn đề dẫn đến bán võ khí cho Việt Nam.

“Một hợp đồng bán võ khí cho Việt Nam rất quan trọng cho Ba Lan.” Ông nói.

Tuy nhiên, những nỗ lực như thế không phải không có chống đối với những người quan tâm với sự đàn áp nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam vẫn đang diễn tiến bất chấp các sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ Liên Âu và Hoa Kỳ.

Robert Krzyszton, một nhà tranh đấu nhân quyền, một thành viên của Hội Tự Do Phát Biểu và đồng thời cũng là một chuyên viên về các vấn đề Việt Nam bình luận khi hay tin có thỏa hiệp hợp tác quốc phòng nói trên.

“Trong trường hợp một nước độc tài toàn trị như Việt Nam đang đàn áp dữ dội nhân quyền, việc ký một thỏa ước như thế coi như quyết định chính trị hậu thuẫn cho người Cộng Sản ở Việt Nam. Hành động như vậy là vô đạo đức và không khôn ngoan.” Krzyszton nói.

“Tôi không hề nghi ngờ gì là các sự vi phạm nhân quyền và đàn áp các thành phần đối lập là không đáng lên án.” Pawel Zalewski, một đại biểu Nghị Viện Liên Âu của Ba Lan phát biểu. “Nhưng người ta cũng nên nhớ rằng Việt Nam là một trong những nước có nhiều tiềm năng kinh tế, có nhiều lãnh tụ của thế giới đến thăm. Ðó là lý do tại sao việc ký một thỏa hiệp như vậy lại là ý kiến rất tốt”.

Không có nhận xét nào: